Bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai: Tiền liên tục chuyển qua "túi" nhau
Giao dịch tiền với nhau
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2020. Một trong những điểm đáng lưu ý là HAGL và Chủ tịch Hội đồng quản trị Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) thường xuyên giao dịch tiền với nhau.
Trong kỳ, bầu Đức và Phó Tổng giám đốc Hồ Thị Kim Chi lần lượt nhận 1,8 tỷ đồng và 1,05 tỷ đồng tiền "lợi nhuận hợp tác kinh doanh".
Không chỉ có vậy, HAGL còn cho bầu Đức vay 20,12 tỷ đồng. Cùng với bầu Đức, bà Hồ Thị Kim Chi và bà Võ Thị Mỹ Hạnh, thành viên Hội đồng quản trị HAGL cũng vay công ty hơn 16,7 tỷ đồng và hơn 1,6 tỷ đồng. Đây là các khoản vay ngắn hạn.
Ngoài ra, HAGL còn có phải thu ngắn hạn khác với bầu Đức trị giá hơn 65,6 tỷ đồng. Giao dịch của khoản phải thu này là "Cho mượn tạm". Tuy nhiên, không chỉ bầu Đức và một vài lãnh đạo HAGL "mượn tạm" hoặc vay tiền của HAGL, ở chiều ngược lại, HALG cũng "phải trả" những sếp lớn này số tiền còn lớn hơn.
Hiện tại, HAGL đang "phải trả" bầu Đức số tiền 180 tỷ đồng. Đây là khoản tiền "Hợp tác kinh doanh". Tương tự, công ty cũng "phải trả" bà Hồ Thị Kim Chi 105 tỷ đồng với lý do tương tự. Bên cạnh đó, HAGL còn "mượn tạm" 10 tỷ đồng từ bà Đoàn Thị Nguyên Nguyên, em gái bầu Đức.
Bầu Đức và HAGL có quan hệ tài chính với nhau khá chặt chẽ. Trước đây, HAGL còn sử dụng cổ phiếu HAG để vay vốn và khi giá HAG giảm quá mạnh, cổ phiếu này bị giải chấp.
Lỗ 78,2 tỷ đồng
Trong khi công ty con HAGL Agrico đã thoát lỗ, HAGL bất ngờ âm lợi nhuận trở lại. Trong quý 1/2020, HAGL lỗ 78,2 tỷ đồng dù cùng kỳ năm ngoái lãi 21,5 tỷ đồng. HAGL thua lỗ khi doanh thu tăng mạnh.
Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ tăng 426 tỷ đồng, tương đương 104% lên 836 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng rất mạnh, từ 325 tỷ đồng lên 552 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp của công ty vẫn tăng 198 tỷ đồng, tương đương 233% lên 283 tỷ đồng.
Trong kỳ, HAGL vẫn nỗ lực tiết kiệm, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm từ 360 tỷ đồng xuống 324 tỷ đồng và từ 166 tỷ đồng xuống 199 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính lại tăng mạnh, tăng từ 38 tỷ đồng lên 84 tỷ đồng. Nguyên nhân có thể do đại dịch Covid-19 nên hoạt động vận chuyển gặp nhiều khó khăn hơn, từ đó tăng chi phí cho HAGL.
Kết quả là hoạt động kinh doanh khiến công ty lỗ 65 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số lỗ 252 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nhưng trong quý 1/2019, HAGL có lợi nhuận khác lên đến 272 tỷ đồng nên công ty đạt được lợi nhuận dương. Còn năm nay, hoạt động khác khiến HAGL lỗ gần 15 tỷ đồng nên kết quả là HAGL lỗ 78,2 tỷ đồng.
Mỗi ngày trả 3 tỷ đồng tiền lãi
Chi phí tài chính quá lớn là một trong những nguyên nhân chính khiến HAGL thua lỗ. Trong kỳ, chi phí tài chính tại HAGL dù giảm nhưng vẫn là con số cao ngất ngưởng 324 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay là 267 tỷ đồng, chiếm 82,4% chi phí tài chính. Như vậy, trung bình mỗi ngày HAGL phải trả 3 tỷ đồng tiền lãi.
Chi phí lãi vay cao đến từ khoản nợ khổng lồ mà HAGL phải gánh suốt nhiều năm qua. Tại thời điểm 31/3/2020, tổng nợ vay của HAGL là 15.086 tỷ đồng. Đáng chú ý, vay ngắn hạn giảm nhưng vay dài hạn lại tăng 1.080 tỷ đồng, tương đương 10,8% lên 12.035 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) là chủ nợ lớn nhất của HAGL khi sở hữu trái phiếu trị giá 5.876 tỷ đồng. Ngoài ra, BIDV còn cho vay dài hạn HAGL số tiền 2.135 tỷ đồng.
Còn về vay ngắn hạn, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) là chủ nợ lớn nhất khi cho HAGL vay số tiền gần 600 tỷ đồng.