Bộ GTVT lý giải nguyên nhân sụt giảm doanh thu các dự BOT
Việc Bộ GTVT có văn bản lấy ý kiến các Bộ, Ngành, địa phương trước tình trạng sụt giảm doanh thu của hàng chục dự án BOT và đề xuất tăng phí ở 37 dự án BOT trên cả nước đang vấp phải những phản ứng mạnh mẽ từ các tài xế, gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cũng thắc mắc, tại sao doanh thu tại các dự án BOT lại sụt giảm như vậy?
Lý giải về nguyên nhân dẫn tới doanh thu tại các trạm BOT sụt giảm, Bộ GTVT cho biết, qua kết quả rà soát doanh thu tại các dự án BOT của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), thời điểm năm 2018 trong số 52 dự án đã đưa vào vận hành khai thác có đủ điều kiện đánh giá về doanh thu thực tế so với hợp đồng.
Bộ GTVT cho rằng, việc doanh thu giảm sẽ dẫn tới vỡ phương án tài chính.
Trong đó, có 27 dự án có doanh thu thực tế tăng cao với phương án tài chính ban đầu, 26 dự án có doanh thu thực thế thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu.
Đối với các dự án có sụt giảm doanh thu nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời có thể kéo theo một số hệ luỵ như phá vỡ phương án tài chính của các dự án, các khoản vay đầu tư BOT sẽ thành nợ xấu, ảnh hưởng đến chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP. Đặc biệt, trong việc kêu gọi đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang triển khai thực hiện.
Bộ GTVT cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm doanh thu được chỉ ra: Thứ nhất do lưu lượng thấp hơn so với dự báo, do kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại một số địa phương không đúng như dự báo ảnh hưởng đến lưu lượng xe qua trạm trạm thấp hơn dự báo (ví dụ như: Dự án hầm Đèo Cả dự kiến kinh tế Vân phong sớm đi vào hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động).
Một số trạm thu phí có số lượng xe sử dụng vé tháng, vé quý lớn hơn rất nhiều so với dự báo ban đầu (điển hình tại trạm Hà Nội – Bắc Giang, trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ, Quốc lộ 38, tuyến tránh Phủ Lý..., việc bán vé tháng vé quý tại các trạm này làm doanh thu giảm từ 15 – 20% so với phương án tài chính ban đầu dự kiến khoảng 5%).
Thứ 2 là do xuất hiện các tuyến đường song hành, đường ngang qua khu vực trạm thu phí dẫn đến xe tránh trạm hoặc phận lưu như: Một số địa phương đầu tư các dự án giao thông đi song hành hoặc ngang qua khu vực trạm thu phí dẫn đến việc thất thoát lưu lượng và có thể vỡ phương án tài chính.
Ngoài ra, tại một số trạm thu phí, các phương tiện cố ý tránh trạm thu phí bằng cách sử dụng các tuyến đường địa phương cắt qua trạm thu phí làm ảnh hưởng đến doanh thu trạm, gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và phá hỏng các tuyến đường địa phương do quá tải trọng.
Một nguyên nhân khách là việc sụt giảm doanh thu do giảm phí (giảm phí các loại xe nhóm 4, nhóm 5 và giảm phí quanh trạm trong bán kính từ 5 – 10km) và chưa tăng phí theo đúng lộ trình (tăng từ 12 – 18%/3năm) trong hợp đồng.
Bộ GTVT đề xuất Chính phủ 2 phương án. Phương án 1 là tăng phí BOT đúng lộ trình trong giai đoạn 2019-2021. Để tránh sốc khi tăng phí đồng loạt hàng chục dự án BOT, bộ GTVT sẽ đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng trong năm 2019 chỉ tăng phí với các dự án BOT có sụt giảm doanh thu lớn bởi các dự án này đã chạm “điểm tới hạn nếu không tăng phí sẽ phá vỡ phương án tài chính”.
Phương án 2, Bộ GTVT đề xuất 49 dự án có lộ trình tăng phí trong giai đoạn 2018-2021 phải lùi thời điểm tăng phí sang năm 2022. Với phương án này, bộ cho biết sẽ có 9 dự án BOT bị phá vỡ phương án tài chính, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, Nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ 9 dự án nhằm tránh bị đổ bể.
Bộ GTVT cũng cho biết, đang nghiêng về phương án 1 vì có nhiều ưu điểm, không phải bố trí ngân sách nhà nước cứu các dự án BOT. Đồng thời, việc tăng phí đường bộ tại các trạm cơ bản không ảnh hưởng lớn đến chi phí vận tải. Đối với các mức phí xe loại 4 và loại 5 (các loại xe ảnh hưởng lớn đến chi phí vận tải) sau khi tăng vẫn thấp hơn so với mức phí trước khi giảm phí theo Nghị quyết 35/NQ-CP.