Chín tháng buồn của ngành địa ốc

05/11/2019 09:49 GMT+7
Ngoại trừ thương hiệu Vinhomes của Tập đoàn Vingroup vẫn duy trì một phong độ "ngoại hạng", phần còn lại của nhóm ngành bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán dường như chung nét vẽ trầm buồn.

Nói “ngoại hạng” bởi với nhiều chục ngàn căn hộ ở 3 siêu dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Grand Park và một số dự án khác như Vinhomes Skylake, Vinhomes Green Bay… được chính thức chốt sổ doanh thu, Công ty cổ phần Vinhomes qua 9 tháng đầu năm đã báo lãi khủng sau thuế hơn 17.300 tỷ đồng.

Trong khi đó, một thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, tại TP.HCM không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư trong 9 tháng đầu năm, số lượng được chấp thuận đầu tư cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thị trường Hà Nội cũng có diễn biến tương tự.

Chín tháng buồn của ngành địa ốc - Ảnh 1.

Nguồn cung căn hộ sụt giảm

Điều này lý giải tại sao báo cáo tài chính 9 tháng của nhiều doanh nghiệp lớn như Nam Long, LDG, Dreamhouse, Hải Phát Invest, Nhà Đà Nẵng… đều cho thấy kết quả kinh doanh rất thấp hoặc chưa được phân nửa chỉ tiêu 2019. Doanh thu sụt giảm, giá vốn gia tăng đẩy các doanh nghiệp vào tình thế khó khăn khi áp lực về chi phí vẫn ngày một đè nặng trong bối cảnh lãi suất ngân hàng ngày một cao.

Không chỉ lo nỗi lo năm nay, trao đổi với người viết, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho biết, “lưng vốn” để dành cho năm tới chưa nhìn thấy đâu khi chưa thể tìm kiếm được các dự án gối đầu do khó khăn từ việc siết chặt cấp phép các dự án mới từ phía cơ quan quản lý.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, nguy cơ bất ổn của thị trường bất động sản là rõ ràng khi nguồn cung bị tắc. Sau giai đoạn phát triển nóng năm 2018, thị trường đã phải đối mặt với cuộc rà soát khắt khe từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Điển hình là cuộc rà soát trên diện rộng các dự án ở TP.HCM khiến nhiều chủ đầu tư phải tạm dừng vô thời hạn các dự án của mình, chẳng hạn như 7 dự án của Novaland bị “đóng băng” vào tháng 1/2019.

Không chỉ có Novaland, mà rất nhiều doanh nghiệp địa ốc khác chịu ảnh hưởng từ cuộc rà soát của chính quyền địa phương. Nhiều dự án bị dừng vô thời hạn vì vướng thủ tục, thậm chí có dự án sắp bàn giao cũng buộc phải tạm hoãn. Các dự án cấp phép mới trở nên “nhỏ giọt” khiến số lượng cung sản phẩm chào bán giảm rất mạnh so với năm 2018.

Không những vậy, theo dự báo, những tháng cuối năm nay, cả 2 thị trường Hà Nội và TP.HCM, nguồn cung có thể sẽ không tăng với tình hình không có nhiều thay đổi từ cơ chế, chính sách.

Và nếu điều này xảy ra, hệ quả chung không chỉ ảnh hưởng riêng mỗi ngành địa ốc!

Cụ thể, với diễn biến bất thường về nguồn cung của nhóm ngành địa ốc, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị tụt giảm mạnh theo. Trong các bản giải trình về kết quả sụt giảm thê thảm trong 9 tháng đầu năm của một số ông lớn đầu ngành như Coteccons, Hòa Bình, Ricons, Đạt Phương, Cotana…, nhiều nhà thầu đã phải thừa nhận rằng, tình hình ngành xây dựng hiện nay rất khó khăn khi nhiều dự án bất động sản đã ký nhưng ngưng triển khai hoặc triển khai chậm do không đủ thủ tục.

Theo đó, số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của ngành xây dựng theo một số khảo sát cho thấy đã giảm từ 30 - 50% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, sự sụt giảm chung của các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng…, đồng thời khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng bị ảnh hưởng phải cắt giảm lao động và giảm thu nhập để bù đắp chi phí.

Nghiên cứu của các tổ chức thống kê quốc tế cho thấy, trung bình ngành bất động sản tăng sản lượng 1 USD thì các ngành có liên quan tăng trưởng 1,5 - 2 USD. Nếu ngành bất động sản giảm sản lượng 1 USD thì các ngành liên quan khác đương nhiên cũng giảm tăng trưởng tương ứng.

Bên cạnh đó, thị trường nhà đất còn có mối quan hệ sâu sắc với thị trường tài chính - tiền tệ. Khi thị trường bất động sản tăng trưởng kéo theo dòng vốn ngân hàng đổ vào cả phía cung lẫn cầu, đồng thời dòng tiền tiết kiệm có thể chững lại để chuyển sang đầu tư nhà đất. Thế nhưng, khi thị trường suy trầm cũng là lúc nỗi lo nợ xấu tăng lên.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 hồi tháng 6/2019, nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra hào hứng khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng cam kết sẽ có nhiều giải pháp tháo gỡ cho thị trường địa ốc. Tuy nhiên, cho đến giờ, các giải pháp thực sự mạnh vẫn chưa thấy, trong khi các khoản chi để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp thì không ai có thể chờ đợi.


Báo Đầu tư Bất động sản
Cùng chuyên mục