Chuyên gia chỉ ra giải pháp ngăn chặn tình trạng đất “hai giá”
Hoàn thiện hệ thống pháp luật để ngăn chặn đất "hai giá"
Bản chất của chiêu trò đất "hai giá" là giá bán cao nhưng lại ghi trong hợp đồng giá thấp nhằm trốn thuế, gây thất thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Khi chuyển nhượng bất động sản, giá thể hiện trên hợp đồng không đúng với giá thực tế giao dịch, người mua và người bán có thể thỏa thuận và lập song song 2 loại hợp đồng.
Một là hợp đồng chuyển nhượng bất động sản có công chứng chứng thực theo quy định với giá nhà đất khai thấp hơn nhiều so với giá đất thực tế giao dịch để làm thủ tục đăng ký biến động. Hai là, hợp đồng viết tay do hai bên tự ký ghi theo giá thực tế giao dịch để phòng ngừa khi tranh chấp tại tòa án.
Tình trạng đất "hai giá" cũng có nhiều trường hợp hai bên mua và bán bất động sản không ký kết hợp đồng chuyển nhượng mà ký kết hợp đồng ủy quyền (trong đó người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với bất động sản) nhằm tránh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản.
Nhiều chuyên gia nhận định để quản chặt việc trốn tránh nghĩa vụ thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, cái gốc của vấn đề là giá bất động sản. Nếu muốn không còn chế độ đất "hai giá", không muốn việc thị trường bất động sản bị thổi giá, làm giá… thì cần quản chặt giá bất động sản.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mua bán bất động sản phải giao dịch thanh toán qua ngân hàng, về mặt lâu dài muốn mua tài sản có giá trị lớn phải chứng minh thu nhập hợp pháp, đảm bảo tính minh bạch của thị trường.
"Việc mua bán phải được ghi chép đầy đủ, áp dụng công nghệ số, thành lập kho dữ liệu như mua bán từng mảnh đất, ngày, tháng rõ ràng thì việc tính thuế được chính xác và giá bán chính xác", ông Thịnh nhận định.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thì hiện nhà nước quản lý dựa trên bảng và khung giá đất, trong khi mức giá này thường thấp hơn nhiều so với thị trường.
"Cơ chế vận hành thị trường bất động sản trong nước còn nhiều "khoảng hở". Ví dụ cơ quan thuế khó xác định được giá trị giao dịch thực giữa người dân với nhau vì họ sử dụng tiền mặt còn nhiều, dẫn đến tình trạng bắt tay nhau kê khai với giá thấp để đóng thuế ít", ông Đính nhận định.
Bộ Xây dựng đánh giá hiện tượng mua bán đất "hai giá" còn phổ biến
Nhiều địa phương cho biết tình trạng kê khai giá chuyển nhượng trên hợp đồng công chứng, kê khai nộp thuế, phí chưa đúng giá trị thực tế còn diễn ra khá phổ biến. Để ngăn chặn tình trạng kê khai đất "hai giá" nhiều địa phương đã gửi thư ngỏ tới từng người dân đến làm thủ tục.
Theo đó, người nộp thuế được yêu cầu phải có trách nhiệm khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong kê khai thuế hoặc hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính. Có trách nhiệm giải trình, bổ sung thông tin tài liệu đầy đủ, đúng thời hạn theo yêu cầu của cơ quan thuế quản lý.
Bộ Xây dựng nhận định hiện nay các sàn giao dịch bất động sản hoạt động thiếu ổn định; hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản, nhà ở chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa công khai làm ảnh hưởng tới tính minh bạch của thị trường.
Đặc biệt, giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng đất "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến.
Để giải quyết tình trạng kê khai đất "hai giá" cùng những bất cập khác, Bộ Xây dựng cho biết cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng mua, bán nhà, đất "hai giá" khi giá bán cao nhưng ghi trong hợp đồng giá thấp để trốn thuế diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của một bộ phận người dân chưa cao, nhận thức về pháp luật còn thấp, không nhận thức được hậu quả khi khai thuế với giá không đúng với giá thực tế chuyển nhượng bất động sản.