Công tác quản lý đất đai có nhiều “lỗ hổng” lớn
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội đánh giá, sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây với Hà Nội, thành phố đã phải giải quyết rất nhiều vấn đề còn tồn tại, trong đó có công tác quản lý đất đai. Khó khăn trong quản lý đất đai không chỉ riêng thời kỳ này mà cả của thời kỳ trước.
Đất đai là tài sản công, được giao cho nhiều cá nhân, tổ chức và chịu sự giám sát, quản lý của rất nhiều đơn vị. Những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Luật đất đai là rất phức tạp. Trong khi đó, cơ chế, chính sách, quản lý đất đai còn nhiều bất cập, thậm chí nhiều quy định chồng chéo, thiếu đồng nhất.
Các chuyên gia nhận định sự thiếu đồng nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật đã bị nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện những hành vi vi phạm. Hàng loạt vấn đề về chuyển nhượng quyền sử dụng, việc sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng, tổ chức đấu thầu, điều chỉnh quy hoạch cục bộ… đang cần sớm được khắc phục.
Ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong công tác quản lý đất đang có những lỗ hổng, thậm chí là lỗ hổng rất lớn, dẫn đến sai phạm trong lĩnh vực này trở nên phổ biến, ngày càng tăng và mức độ, quy mô càng lớn, tranh chấp liên quan đến đất đai nhiều năm liền chiếm tỷ lệ đa số.
"Nếu như rà soát toàn bộ quá trình từ quản lý đến sử dụng đất đai gần như nhìn vào khâu nào, lĩnh vực nào cũng thấy lỗ hổng, sai phạm. Từ khâu quy hoạch cho đến vấn đề giao đất có thu tiền sử dụng cho đến vấn đề đấu giá đất. Vấn đề định giá đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính với đất đai cũng đều thấy rất nhiều lỗ hổng và sai phạm", ông Ánh nhận định.
Các chuyên gia cũng cho rằng các giải pháp khắc phục bất cập trong công tác quản lý đất đai cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ chuyên môn và trách nhiệm đối với cán bộ làm công tác quản lý đất đai.
Ngoài ra, trong công tác quản lý đất đai, một số địa phương ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất trong khi đơn vị chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất; đấu giá đất khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Một số địa phương thì chậm ban hành bảng giá đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng khu mà không theo từng thửa đất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa phù hợp; chưa xử lý các trường hợp sử dụng đất sai mục đích; chưa thu hồi đất đối với tổ chức không còn sử dụng đất.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ từ các bộ, ngành, địa phương, giai đoạn 2016 - 2021 vẫn còn 74.378 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa đã xử lý thu hồi là 49.541 ha.