Dấu ấn Agribank trong xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị

24/10/2023 11:03 GMT+7
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 69/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đóng góp vào thành công chung đó phải kể đến sự góp sức tích cực của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh tỉnh Quảng Trị (Agribank Quảng Trị) với vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn.

Bám sát mục tiêu "tam nông"

Là ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước, Agribank giữ vai trò chủ đạo, chủ lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Sứ mệnh "tam nông" luôn gắn với hoạt động của Agribank trong suốt chiều dài 35 năm hình thành và phát triển.

Dấu ấn Agribank trong xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị - Ảnh 1.

Được Agribank tiếp vốn, người dân tỉnh Quảng Trị đã mạnh dạn xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt tạo hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Ảnh: T.H.

Tại tỉnh Quảng Trị, Agribank Quảng Trị là đơn vị dẫn đầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn về thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với cho vay nông nghiệp, nông thôn, là ngân hàng triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trên cở sở bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh của đơn vị, hàng năm Agribank Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch và đề ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính Phủ về "Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn", Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND ngày 14/9/2015 của UBND tỉnh Quảng Trị về "Ban hành quy định thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015-2020".

Gần đây nhất là triển khai thực hiện Nghị quyết số 100/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh Quảng Trị về "Ban hành quy định chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025".

Dấu ấn Agribank trong xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị - Ảnh 2.

Tại tỉnh Quảng Trị, Agribank đã góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhanh và bền vững. Ảnh: Vũ Trung.

Tính đến 30/9/2023, tổng nguồn vốn huy động của Agribank Quảng Trị đạt 14.091 tỷ đồng, tăng 998 tỷ đồng (+7,6%) so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay đạt 15.528 tỷ đồng, tăng 196 tỷ đồng (+1,3%) so với đầu năm (trong đó cho vay nông nghiệp, thôn thôn đạt 9.708 tỷ đồng, chiếm 62,5% tổng dư nợ). Giai đoạn 2015-2022 cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Agribank Quảng Trị tăng trưởng bình quân là 12,78%.

Bên cạnh việc cho vay trực tiếp đến hộ sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, Agribank Quảng Trị còn chủ động nghiên cứu triển khai nhiều cách làm hiệu quả thông qua việc phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên Hiệp Phụ nữ để chuyển vốn vay đến các thành viên của hội. Tính đến ngày 30/9/2023, Agribank Quảng Trị cùng các cấp hội đã thành lập được 357 tổ vay vốn với 10.316 thành viên, tổng dư nợ cho vay qua tổ đạt 1.268 tỷ đồng.

Dấu ấn Agribank trong xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị - Ảnh 3.

Sứ mệnh "tam nông" luôn gắn với hoạt động của Agribank trong suốt chiều dài 35 năm hình thành và phát triển. Ảnh: T.H.

Trong đó, Hội Nông dân quản lý 301 tổ vay vốn với 8.516 thành viên, dư nợ cho vay là 1.038 tỷ đồng; Hội Liên Hiệp Phụ nữ quản lý 56 tổ vay vốn với 1.800 thành viên, dư nợ cho vay là 230 tỷ đồng. Các cấp hội đã trở thành "cánh tay nối dài" tin cậy của Agribank Quảng Trị mang nguồn vốn tín dụng và các dịch vụ tiện ích đến với bà con nông dân, giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn nhanh, dễ dàng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...

Dấu ấn Agribank trong xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị - Ảnh 4.

Agribank đẩy mạnh cho vay các ngành hàng chủ lực gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, OCOP. Ảnh: T.H.

Cùng với hoạt động tiếp vốn cho các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Agribank Quảng Trị đã đóng góp tích cực vào sự phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững và hiệu quả. Quan tâm đẩy mạnh cho vay các ngành hàng chủ lực gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh, những sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao, sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Song song với việc cung cấp đầy đủ nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank Quảng Trị còn nỗ lực triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đến bà con nông dân thông qua các điểm giao dịch trên địa bàn tỉnh và qua các "chân rết" là các tổ vay vốn cắm rễ đến từng thôn, xã, khu dân cư trên địa bàn.

Dấu ấn Agribank trong xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị - Ảnh 4.

Anh Đào Văn Khánh ở thôn Cam Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng được trang trại kinh tế tổng hợp, thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm nhờ vay vốn Agribank. Ảnh: T.H.

Đến cuối tháng 9/2023, việc triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đến với người dân nông thôn đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Đối với các dịch vụ ngân hàng điện tử, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ E-Banking đạt hơn 210.000 người, tăng hơn 22.400 khách hàng so với đầu năm. Agribank Quảng Trị đã lắp đặt 42 máy ATM; 171 máy POS tại các điểm bán hàng; 3.700 điểm chấp nhận thanh toán bằng mã VietQR (trong đó tại vùng nông thôn là 2.300 điểm, chiếm 62,2%).

Agribank Quảng Trị là ngân hàng tiên phong trong đầu tư và cung ứng dịch vụ thẻ, dịch vụ ATM tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân, thay đổi thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt trong dân cư, góp phần quan trọng vào công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Dấu ấn Agribank trong xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị - Ảnh 4.

Ở Quảng Trị, có nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất quy mô lớn, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động vùng nông thôn. Trong ảnh: Ông Vũ Thắng, trú huyện Vĩnh Linh (bên trái) vay vốn ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị để chăn nuôi gà thịt cho thu nhập cao. Ảnh: Ngọc Vũ.

Cùng với 24 chi nhánh, phòng giao dịch phủ rộng khắp địa bàn tỉnh, Agribank Quảng Trị còn thực hiện mô hình điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng tại huyện Đakrông. Xe lưu động hoạt động từ năm 2018 đã mang lại hiệu quả rõ nét, giúp nông dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện, tạo điều kiện để bà con vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Gắn trách nhiệm với cộng đồng

Bên cạnh việc nỗ lực thực hiện tốt hoạt động kinh doanh, Agribank Quảng Trị luôn chú trọng và đi đầu thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm là ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn. Từ năm 2018 đến nay, tổng số tiền mà Agribank tài trợ cho các hoạt động xã hội, từ thiện trên địa bàn là hơn 60 tỷ đồng.

Dấu ấn Agribank trong xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị - Ảnh 5.

Ngoài nhiệm vụ kinh doanh tiền tệ hiệu quả, Agribank Quảng Trị luôn gắn trách nhiệm với cộng đồng. Ảnh: T.H.

Đó là các hoạt động tài trợ xây dựng trường học, trạm y tế, nhà tình nghĩa, nhà hạnh phúc, xây dựng các công trình ánh sáng đường quê, tài trợ chương trình sóng và máy tính cho em, chương trình thêm con chữ bớt đói nghèo, ủng hộ khắc phục hậu quả lũ lụt, ủng hộ chống dịch Covid-19… và tài trợ các chương trình, sự kiện khác tại địa phương. 

Các chương trình an sinh xã hội do Agribank tài trợ đều có ý nghĩa nhân văn to lớn làm cho bộ mặt nông thôn ngày một khang trang, giúp người dân trên địa bàn có được môi trường, điều kiện sống tốt hơn. 

Dấu ấn Agribank trong xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị - Ảnh 7.

Agribank Quảng Trị với Chương trình “Xuân yêu thương cùng em đến trường”. Ảnh: T.H.

Với vai trò trung gian tín dụng, Agribank Quảng Trị đã có những đóng góp nhất định vào sự thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới, nổi bật nhất là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể, giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình từ các mô hình kinh tế bằng nguồn vốn vay Agribank Quảng Trị.

Dấu ấn Agribank trong xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị - Ảnh 6.

Ông Võ Văn Tình (áo trắng), Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Trị trao bản tượng trưng và quyết định bàn giao nhà cho vợ chồng ông Hồ Văn Đánh ở xã A Vao, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: T.H.

Thời gian tới, Agribank Quảng Trị tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn vốn đầy đủ và kịp thời cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Bám sát các chương trình định hướng đầu tư của địa phương để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay thuận lợi hơn, góp phần tích cực vào chuyển dịch cây trồng, vật nuôi… từ đó tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ, tạo việc làm cho lao động tại địa phương.

Agribank Quảng Trị sẽ nắm bắt, khảo sát nhu cầu của khách hàng, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, trong đó, tiếp tục lấy Hội Nông dân, Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh làm cầu nối để mở rộng cho vay thông qua tổ, nhóm; phát huy vai trò của ngân hàng hàng đầu trong thực hiện chính sách "tam nông"; bảo đảm tất cả khách hàng đủ điều kiện vay và có nhu cầu vay đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời về vốn.

Dấu ấn Agribank trong xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị - Ảnh 7.

Từ năm 2018 đến nay, tổng số tiền Agribank tài trợ cho các hoạt động xã hội, từ thiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là hơn 60 tỷ đồng. Ảnh: T.H.

Ông Phan Hồng Hải - Giám đốc Agribank Quảng Trị cho biết: Thời gian tới, song song với việc tiếp tục ưu tiên cấp tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, đơn vị sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển ngân hàng số tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số để người dân khu vực nông thôn tiếp cận một cách dễ dàng các sản phẩm ngân hàng hiện đại.

Đặc biệt là trang bị ngân hàng tự động Digital Bank, đây là mô hình mới của Agribank đã và đang triển khai nhằm giúp cho người dân từng bước, từng khâu tiếp cận dần với các giao dịch tự động, đặc biệt là cấp tín dụng tự động trên nền tảng số tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, Agribank Quảng Trị sẽ tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, trong đó đặc biệt ưu tiên tài trợ cho các vùng nông thôn cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn.

Dấu ấn Agribank trong xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị - Ảnh 10.

Agribank Quảng Trị đồng hành cùng Chương trình công trình thanh niên “Ánh sáng đường quê”. Ảnh: T.H.

Dấu ấn Agribank trong xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị - Ảnh 8.

Agribank Quảng Trị là đơn vị tiên phong trong công tác an sinh xã hội. Ảnh: T.H.

Agribank Quảng Trị đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng tại khu vực nông thôn; quyết tâm cùng ngành ngân hàng và chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; chủ động sẵn sàng các giải pháp để củng cố, tăng cường vị trí truyền thống, kiên định sứ mệnh "tam nông", ưu tiên nguồn lực phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, để nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế- xã hội của Quảng Trị.

Thu Hà - Trần Hậu
Cùng chuyên mục