Để dưa hấu không ùn ứ cửa khẩu và nông sản Việt có đầu ra đa dạng, ổn định
Lo nhiều hơn mừng
Ngày 14-2, Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục thông tin đến các doanh nghiệp và cơ quan báo chí về tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc. Cơ quan này cho biết: “Các lô hàng nông, lâm, thủy sản và trái cây Việt Nam mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ sẽ chậm hơn nhiều so với thời gian trước do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh”. Qua đó, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế đưa hàng lên biên giới để tránh ùn tắc. Tình trạng này đã kéo dài cả tháng nay và chưa có hướng giải quyết.
Dịch Covid-19 chỉ là tình huống bất ngờ xảy ra, song đã tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Đó là chưa kể “điệp khúc” của nhiều năm là nông sản Việt Nam thường “được mùa mất giá”, buộc phải đổ bỏ ở khu vực biên giới do Trung Quốc không thu mua vì nhiều nguyên nhân. Sau mỗi lần như vậy, các cơ quan quản lý đều đưa ra cảnh báo, khuyến cáo người dân thay đổi cách thức canh tác, tăng cường chế biến chuyên sâu, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch… nhưng những thông tin trên vẫn bị “phớt lờ”.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 26,9% tổng lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến việc xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sút, biểu hiện rõ nhất từ tháng 1-2020, Việt Nam đã bị giảm 14% giá trị xuất khẩu. Những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2, con đường thông thương bị đóng cửa, thương mại giữa 2 nước ngưng trệ. Không chỉ xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu tiểu ngạch của Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, khiến lượng hàng hóa ùn ứ ở biên giới vẫn khá lớn.
Báo cáo gần đây nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, trong số các cửa khẩu thường xuyên diễn ra hoạt động buôn bán, xuất nhập khẩu với Trung Quốc, chỉ có số lượng nhỏ hàng hóa được thông quan. Cụ thể, tính đến hết ngày 11-2, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã xuất khẩu được 37 xe gồm: nông sản, trái cây; khẩu trang; linh kiện điện tử.
Đã nhập khẩu 62 xe gồm: linh kiện điện tử; máy móc thiết bị; nông sản; thủy sản; trái cây như táo, cam; chất phụ gia. Đang còn tồn 106 xe nông sản, trái cây. Tại Cửa khẩu Kim Thành II (Lào Cai) xuất được 46 xe thanh long, 7 xe dưa hấu, 3 xe mít, 2 xe chuối. Tuy nhiên, tốc độ thông quan chậm hơn nhiều so với bình thường. Còn tồn hơn 300 xe trái cây gồm thanh long, mít, dưa hấu, chuối. Một số cửa khẩu khác tạm ngưng thông quan.
Tình hình hàng hóa tại các cửa khẩu đã không mấy “sáng sủa” trong khi tại các địa phương, nông sản chưa tiêu thụ được và nông sản sắp vào vụ thu hoạch cũng đang bí đầu ra. Tại cuộc họp khẩn với Bộ Công Thương mới đây, ông Nguyễn Hữu Dũng- Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho hay, địa phương này hiện còn tồn đọng lớn nhất là mặt hàng khoai lang với khoảng 11.000 tấn, ớt khoảng 6.700 tấn, nhãn khoảng 1.200 tấn…
Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số nông sản này sẽ khó xuất sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, báo cáo từ các tỉnh như: Đồng Nai, Bình Thuận… cũng cho thấy, còn hàng trăm nghìn tấn xoài, chôm chôm, sầu riêng, mít… sắp đến độ thu hoạch chưa biết sẽ ra sao. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, công cuộc “giải cứu” nông sản đã bắt đầu với dưa hấu, thanh long, giá đến tay người tiêu dùng có nơi chưa đến 5.000 đồng/kg dưa hấu.
Sự “mệt mỏi” khi làm ăn với Trung Quốc là điều thấy rõ qua những con số nêu trên, bởi thị trường này dù nhu cầu lớn nhưng lại luôn bất ổn, khiến nông dân, doanh nghiệp Việt Nam chưa kịp mừng, đã vội lo.
Phải tránh phụ thuộc
TS Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là giải pháp dài hạn đã được Chính phủ và các Bộ, ngành thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, việc mở ra thị trường mới cần nhiều thời gian, chưa thể mang lại kết quả ngay lập tức.
Trong khi đó, Trung Quốc với lợi thế về vị trí địa lý, đường biên, nhu cầu tiêu dùng cao, thị trường không quá khó và đặc biệt là yêu cầu sản phẩm của họ đa phân khúc, phù hợp với khả năng cung ứng của Việt Nam nên vẫn là thị trường tiềm năng. Tuy vậy, những biến cố như dịch Covid-19 hoặc những bài học trong quá khứ cũng cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam cần quay lại khai thác thị trường trong nước cũng đầy tiềm năng.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc nông sản Việt Nam bán ở thị trường trong nước giá cao hơn giá xuất sang thị trường Trung Quốc cho thấy logistics nội địa của chúng ta còn quá kém. Thế nên, dù thị trường Việt Nam vô cùng tiềm năng nhưng doanh nghiệp chưa khai thác được. Theo vị chuyên gia này, cần đẩy mạnh hoạt động logistic nội địa, những doanh nghiệp nào có kho lạnh, có dây chuyền chế biến nên thu mua nông sản từ người dân để chế biến, bảo quản và đưa ra tiêu thụ, tránh cảnh “được mùa mất giá”, hoặc thương lái nước ngoài ép giá. Cũng theo TS Nguyễn Minh Phong, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường nước ngoài cần được thúc đẩy hơn nữa, hiệu quả hơn nữa bên cạnh việc nâng cao chất lượng hàng hóa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan đang tiến hành nhiều giải pháp cho vấn đề nêu trên như: rà soát lại khối lượng nông sản các nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc từ nay cho đến cuối năm để đề ra các kịch bản căn cứ với diễn biến tình hình của từng giai đoạn; tăng cường thương mại tiêu thụ nội địa, tìm biện pháp phục vụ thị trường hơn 96 triệu dân Việt Nam; tập trung chế biến sâu. Các doanh nghiệp chế biến phải liên kết chặt chẽ với những vùng nguyên liệu để giảm bớt khối lượng xuất khẩu tươi. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị ngành logistics kiểm tra lại khối lượng kho dự trữ đông lạnh để đưa một số sản phẩm vào ướp đông, kéo dài thời gian phân phối. Đồng thời, thúc đẩy mở cửa một số thị trường khác như: Trung Đông; Hoa Kỳ; Brazil…
EVFTA mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam
“Việc Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA với tỷ lệ 63,33% là kết quả tốt đẹp và có ý nghĩa với Việt Nam và Liên minh châu Âu, hai đối tác chiến lược và toàn diện đã triển khai đàm phán ký kết hai hiệp định. EVFTA ý nghĩa vì quan điểm của Đảng và Nhà nước thực hiện đối ngoại đa phương, đa dạng hóa mối quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại khi hiện nay đã có quan hệ với hơn 200 đối tác, giúp vị thế đất nước ngày càng tăng lên ở nhiều lĩnh vực.
Với độ mở lớn, thương mại và xuất nhập khẩu có vai trò quan trọng trong cơ cấu GDP và tăng trưởng. Khi dịch bệnh xuất hiện và kéo dài, cho thấy hạn chế và bất cập trong phát triển thị trường và năng lực cạnh tranh của hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, thuỷ sản vốn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nên thời gian qua đã chứng kiến tình trạng hàng nông sản, thủy sản bị ách tắc. Thực tế này đặt ra yêu cầu tái cơ cấu sản xuất, đưa công nghệ và hàm lượng khoa học vào sản phẩm, đáp ứng điều kiện truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm…
Việc tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu, như nhóm hàng nông nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về rào cản kỹ thuật là yêu cầu đặt ra. Chúng ta sẽ sớm đàm phán và mở cửa thị trường, xây dựng cơ chế kiểm dịch động thực vật để công tác phát triển thị trường, tiêu thụ hàng hoá tốt hơn, gắn với đấu tranh chống gian lận và xuất xứ thương mại để tránh lợi dụng cơ chế ưu đãi thương mại, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải đầu tư bất hợp pháp là yêu cầu đặt ra”- Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (trích cuộc họp báo ngày 12-2-2020).