Đề xuất hỗ trợ 8.000 lao động phục vụ vận tải công cộng mất việc 1.800.000đ/người/tháng

15/04/2020 17:54 GMT+7
Đứng trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, vận tải hành khách công cộng đã phải tạm dừng hoạt động kéo theo đó là khoảng 8.000 người thất nghiệp mất thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống, do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ, bảo vệ người lao động.

Mới đây, để đảm bảo cuộc sống của 8.000 người lao động bị mất việc do dịch Covid-19, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Trước đó, hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt đã phải dừng hoạt động từ ngày 28/3 theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, kéo theo khoảng 8.000 người lao động trong hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, Hiệp hội này kiến nghị hỗ trợ kinh phí chi trả tiền lương cho người lao động trong giai đoạn tạm dừng hoạt động hiện tại (từ ngày 28/3).

Đề xuất hỗ trợ 8.000 lao động phục vụ vận tải công cộng mất việc 1.800.000đ/người/tháng - Ảnh 1.

Xe buýt công cộng ở Hà Nội tạm dừng hoạt động từ ngày 28/3.

Bên cạnh kiến nghị này, là cần phải có cơ chế riêng hỗ trợ để các đơn vị có kinh phí chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động trong trường hợp chưa đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ.

Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội nêu những khó khăn, nếu tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội từ 1 tháng trở lên, các doanh nghiệp buộc phải thỏa thuận thực hiện phương án tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động sẽ được hưởng chế độ theo gói hỗ trợ của Chính phủ (1.800.000đ/người/tháng). Trong trường hợp này, có thể dẫn đến người lao động không đồng ý tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương mà xin chấm dứt hợp đồng lao động với số lượng lớn.

Đồng thời, Hiệp hội này đề xuất khi hết dịch, xe buýt hoạt động trở lại, các đơn vị không thể ngay một lúc tuyển được số lượng lớn người lao động (đặc biệt là lái xe hạng D, hạng E) để thực hiện nhiệm vụ. Do đó, đề nghị thành phố sớm có hướng dẫn chi tiết để các đơn vị làm thủ tục hỗ trợ người lao động và có cơ chế hỗ trợ kinh phí để các đơn vị thu hút, tuyển dụng lại lao động.

Hiệp hội này cũng đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở Lao động - thương binh xã hội miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; cho phép các doanh nghiệp VTHKCC và người lao động miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 4/2020 đến khi Chính phủ công bố hết dịch Covid 19.

Minh Hiếu
Cùng chuyên mục