[ĐHĐCĐ] Vietnam Airlines sẽ dùng khoản vay từ các ngân hàng để trả nợ quá hạn
Trong báo cáo mới đây của hãng hàng không Vietnam Airlines cho thấy, từ đầu năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với dự báo. Hai đợt dịch Covid-19 bùng phát đúng vào dịp cao điểm Tết và ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đã tác động tiêu cực đến ngành hàng không, đẩy Vietnam Airlines vào tình trạng thua lỗ và thâm hụt dòng tiền nghiêm trọng.
Dựa trên những phân tích, đánh giá về tình hình thị trường, trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu năm 2021, Vietnam Airlines đã xác định đây sẽ là năm vô cùng khó khăn. Tình hình tài chính của Vietnam Airlines đã bị suy yếu sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2020.
Vietnam Airlines đã chủ động có sự chuẩn bị, đánh giá, xây dựng nhiều phương án kịch bản ứng phó tương ứng với các kịch bản thị trường và diễn biến dịch bệnh khác nhau, tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước. Vietnam Airlines thực hiện quyết liệt việc đàm phán giảm giá với các đối tác để giảm chi phí và giảm áp lực dòng tiền.
Để duy trì và vực dậy tình hình sản xuất kinh doanh, năm 2021, Vietnam Airlines có kế hoạch tăng vốn 8.000 tỷ đồng.
Sau khi Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua ngày 14/7, Vietnam Airlines đang làm việc với Ủy ban Chứng khoán, các Công ty phát hành để phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tăng vốn 8.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines.
Dự kiến đến hết quý 3/2021 việc tăng vốn sẽ hoàn tất. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để trả nợ các khoản vay ở các tổ chức tín dụng đã quá hạn; trả các khoản nợ vay mà Vietnam Airlines đang nợ các nhà cung ứng, đặc biệt là các đơn vị cho thuê máy bay; bổ sung các dòng vốn lưu động của Vietnam Airlines để đảm bảo sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Theo ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết, với việc tăng vốn 8.000 tỷ đồng, cổ đông Nhà nước ủy quyền cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Nhà nước để đầu tư vào Vietnam Airlines. Quá trình này đang tiến hành rất thuận lợi, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như các cơ quan hữu quan. SCIC sẽ đầu tư vào theo đúng các quy định của pháp luật.
Thông tin về việc 3 ngân hàng đã tái cấp vốn cho Vietnam Airlines khoản 4.000 tỷ đồng theo đúng chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, ông Đặng Ngọc Hoà cho hay, ngày 7/7 vừa qua, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng. Khoản tiền này sẽ được giải ngân trong tuần tới đây.
Vietnam Airlines chỉ sử dụng nguồn lực này để thanh toán các khoản nợ quá hạn và các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo ông Hoà, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 đã làm Vietnam Airlines lỗ hợp nhất lên tới trên 11.000 tỷ đồng, dòng tiền âm rất lớn. Khoản 12.000 tỷ đồng này sẽ trợ giúp cho Vietnam Airlines để hỗ trợ thanh khoản cho thời điểm này và cả những tháng đầu năm 2021.
Ngoài nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ, Vietnam Airlines đã có nhiều giải pháp khác như tiếp tục tái cơ cấu lại tổ chức, tài chính, danh mục đầu tư, đặc biệt là đàm phán với các chủ nợ, các nhà cung cấp để giảm, giãn hoãn các chi phí này.
Bên cạnh đó, hãng tiếp tục tăng thu thông qua sử dụng máy bay để tăng cường chở hàng hóa, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo giao thương cho Vietnam Airlines đồng thời tiếp tục báo cáo các cấp mở lại các chuyến bay quốc tế một cách thận trọng, tìm mọi giải pháp để đưa hoạt động của Vietnam Airlines trở lại bình thường.
Vietnam Airlines hy vọng sự quyết tâm của Chính phủ về chiến lược vaccine sẽ giúp ngành hàng không trong thời gian tới, đặc biệt là cuối quý 3, đầu quý 4/2021 sẽ khởi sắc.