Dòng tiền gặp khó, 2 hãng bay Việt vẫn muốn chi tỷ USD sắm mới
Báo cáo tài chính gần nhất cho thấy dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines trong quý I đang ở mức âm 3.800 tỷ đồng, nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng. Doanh nghiệp dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Dù công bố gặp khó khăn trong việc đảm bảo khả năng thanh toán trong năm 2020, cần Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và phải bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020, Vietnam Airlines vẫn tham vọng mở rộng đội bay để mở rộng khai thác sau dịch Covid-19.
Dự kiến, số tiền trên lấy từ vốn chủ sở hữu gần 500 triệu USD, nguồn chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm gần 2 tỷ USD, còn lại gần 1,4 tỷ USD phải đi huy động.Cụ thể, ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines, đã đề xuất cho doanh nghiệp được đẩy nhanh dự án mua thêm 50 chiếc máy bay thân hẹp để đón đầu xu thế phục hồi sau dịch. Đây là chủ chương đã được thông qua tại đại hội cổ đông thường niên 2019 của Vietnam Airlines với mức đầu tư dự kiến gần 3,8 tỷ USD.
Tương tự, Bamboo Airways cũng đang có những kế hoạch chi tiêu mạnh tay cho đội bay của mình. Trả lời Bloomberg, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch của Bamboo Airways, cho hay hãng dự kiến sẽ ký hợp đồng mua 60 động cơ từ General Electric để trang bị cho đội bay Boeing 787 vào cuối năm 2020. Tổng giá trị hợp đồng theo giá niêm yết vào khoảng 2 tỷ USD.
Trước đó, ông Quyết cũng khẳng định Bamboo Airways vẫn sẽ tăng số lượng máy bay lên ít nhất tổng cộng 40 chiếc trong năm 2020. Nếu tuyên bố này được hiện thực hóa, hãng sẽ biên chế thêm ít nhất 18 máy bay trong gần 6 tháng, tăng gần gấp đôi quy mô đội bay.
Giữa tháng 2, chủ tịch của Bamboo Airways cũng đã chia sẻ về dự định mua 12 chiếc Boeing 777X để phục vụ tham vọng bay thẳng Việt - Mỹ. Tổng giá trị của số máy bay này theo giá niêm yết là khoảng 5 tỷ USD.
Tuyên bố sắm mới máy bay đưa ra trong lúc Bamboo Airways cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không khả quan. Quý I/2020, hãng bay lỗ hơn 1.500 tỷ đồng. Trong văn bản gửi Bộ GTVT, hãng cho biết đã chịu thiệt hại lên tới 4.455 tỷ đồng vì dịch Covid-19.
Theo ông Dương Trí Thành, lý do Vietnam Airlines muốn đẩy nhanh mua sắm máy bay là bởi cách đây khoảng 3 tháng, để đặt hàng một chiếc máy bay thì phải mất 3-4 năm mới có thể nhận bàn giao. Tuy nhiên khi các hãng hàng không trên thế giới hủy đơn hàng vì dịch Covid-19, doanh nghiệp có thể nhanh chóng nhận máy bay để khai thác.
Theo số liệu từ Bộ GTVT, thống kê trước dịch Covid-19 cho thấy để đảm bảo nhu cầu vận chuyển hành khách, Việt Nam cần tổng cộng 255 máy bay vào cuối năm 2020 và 384 máy bay vào năm 2025. Hiện tổng số máy bay của hàng không Việt là 214 chiếc.
Điều này đồng nghĩa nếu dịch Covid-19 không bùng phát, Việt Nam cần thêm 41 máy bay ngay trong năm 2020 và trong 5 năm tới, số máy bay quốc tịch Việt Nam sẽ tăng khoảng 26 chiếc mỗi năm.
Tuy nhiên dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trong tới nhu cầu di chuyển hàng không của hành khách. Bộ GTVT dự kiến theo kịch bản lạc quan nhất, thị trường hàng không năm 2022 có quy mô chỉ bằng năm 2019, tức chỉ bằng 75% mức dự báo trước dịch Covid-19.
Hiện Vietnam Airlines đang dẫn đầu thị trường về quy mô đội bay với tổng cộng 103 máy bay, xếp sau là Vietjet Air với 75 chiếc, Bamboo Airways với 22 chiếc và Jetstar Pacific Airlines với 15 chiếc.