Đường nhập khẩu đè bẹp đường trong nước
Sau khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế xuất nhập khẩu mặt hàng đường từ các nước ASEAN vào Việt Nam đã giảm bình quân từ 85% xuống 5% (đường thô giảm từ 80% còn 5% và đường trắng giảm từ 85% còn 5%) từ ngày 1-1-2020. Cộng thêm việc một số nước trong ASEAN trợ giá cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất mía đường khiến ngành mía đường của Việt Nam gần như thua trắng trên sân nhà.
Nhập khẩu tăng đột biến
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 1,384 triệu tấn đường các loại, tăng "đột biến" gấp gần 4 lần so với lượng đường nhập khẩu trong năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam là 1,145 triệu tấn, chiếm 82,7%. Không những thế, lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanmar đều có xuất xứ từ Thái Lan (bản thân các nước này không đủ mía để sản xuất cho nhu cầu nội địa và đều nhập khẩu từ Thái Lan để có cơ sở phát chứng thư CO form D) khiến tổng lượng đường nhập khẩu có nguồn gốc Thái Lan là hơn 1,3 triệu tấn, chiếm 95,7%.
Thu hoạch mía ở ĐBSCL .Ảnh: HOÀNG VŨ
Trong khi đó, vụ mía 2019-2020, các nhà máy trong nước chỉ sản xuất chế biến được 768.000 tấn đường, còn vụ 2020-2021 dự kiến cũng chỉ đạt dưới 800.000 tấn đường. Như vậy, lượng đường nhập khẩu năm 2020 đã vượt xa sản lượng sản xuất trong nước.
Theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), giai đoạn 2010-2018, đường sản xuất ở Việt Nam đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, do diện tích, sản lượng mía trong nước sụt giảm, lượng đường sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, phải chuyển sang nhập khẩu.
Nhập khẩu tăng cao khiến nguồn cung đường dư thừa trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp dẫn đến giá đường trên thị trường thấp hơn giá thành sản xuất. Hai vụ mía vừa qua, các doanh nghiệp bị lỗ liên tiếp, với mức từ 1-2,5 triệu đồng/tấn. Cụ thể vụ mía 2018-2019, giá thành sản xuất 1 tấn đường hơn 13 triệu đồng nhưng giá bán ra chỉ được 10,6 triệu đồng; vụ 2019-2020, giá thành sản xuất 12,3 triệu đồng/tấn nhưng bán ra 11,4 triệu đồng.
Theo báo cáo kết quả sản xuất mía đường niên vụ 2019-2020 của VSSA, mặc dù giá mía nguyên liệu có tăng (khoảng từ 50.000-100.000 đồng/tấn so với niên vụ trước) nhưng vẫn là năm khó khăn chung của ngành mía đường, nông dân không mặn mà với cây mía, bỏ mía không đầu tư chăm sóc hoặc chuyển đổi sang trồng cây khác, dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm so với niên vụ trước. Tổng diện tích trồng mía vụ 2019-2020 giảm 18,4% so với vụ 2018-2019 (223.847 ha), còn 182.599 ha. Sản lượng mía nguyên liệu đưa vào chế biến chỉ đạt 7,662 triệu tấn, thấp nhất trong 19 vụ gần đây (tính từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu sản xuất là vụ 1999-2000), dẫn đến số lượng nhà máy hoạt động thấp nhất. Từ 40 nhà máy đường hoạt động trong vụ 2015-2016, đến vụ 2019-2020 giảm còn 29 nhà máy, vụ 2020-2021 tiếp tục có thêm 4 nhà máy đường dừng hoạt động (gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong) và hiện cả nước chỉ còn 25 nhà máy hoạt động.
Dù các nhà máy đường đã cố gắng hết sức để kìm hãm đà tụt giảm giá mía nhằm duy trì vùng nguyên liệu nhưng không ngăn được tình trạng nông dân bỏ cây mía, chuyển đổi sang cây trồng khác. Ở nhiều vùng, có rất nhiều diện tích mía gốc vụ bị nông dân bỏ, không chăm sóc và thu hoạch, do lo ngại thu không đủ bù chi.
Chết lâm sàng!
Theo VSSA, một trong những điểm yếu của ngành hiện nay là thông tin về sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ đường còn hạn chế, từ đó dẫn đến cách hiểu không đúng về ngành của các cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, cạnh tranh không lành mạnh do việc trợ giá tại các quốc gia xuất khẩu đường và tình trạng nhập lậu đường số lượng lớn mất kiểm soát vào Việt Nam tạo ra nhiều khó khăn cho sản xuất trong nước.
Mía là cây đa dụng, ngoài sản phẩm chính là đường, cây mía còn là nguyên liệu trực tiếp hoặc gián tiếp của nhiều ngành công nghiệp như rượu, giấy, ván ép, dược phẩm, điện từ bã mía, thức ăn chăn nuôi, phân bón từ lá, ngọn mía, bùn lọc và tro lò, mật rỉ được dùng làm nguyên liệu trong công nghiệp để sản xuất nhiên liệu sinh học, rượu, dung môi axeton, nấm men, axít citric, lactic và glycerin, dược phẩm, mỹ phẩm. Hiện nay, trên thế giới, mía đường được coi là ngành công nghiệp sản xuất đa dạng sản phẩm với các cấp độ khác nhau. Còn ở Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết các phụ phẩm trên nên giá thành sản phẩm còn cao, khó lòng cạnh tranh được với đường nhập khẩu.
Để giảm chi phí sản xuất mía, theo ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký VSSA, giải pháp quan trọng hàng đầu là cần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa sản xuất và thu hoạch mía, để giảm chi phí lao động so với mức hiện tại (chiếm 53%-61%). Còn để giảm chi phí chế biến, giải pháp khả thi nhất là cải tiến trang thiết bị, áp dụng các công nghệ tự động hóa nhằm tiết giảm chi phí lao động xuống so với mức hiện tại (chiếm 36%-40%), đồng thời tận dụng hiệu quả hơn nữa các sản phẩm phụ như mật rỉ, bã mía, bã bùn, sáp mía để nâng cao chuỗi giá trị, bù đắp chi phí, góp phần giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
Thị trường tiêu thụ trong nước quyết định đến sự thu hẹp hoặc mở rộng diện tích trồng mía, cũng như quy mô của khối chế biến đường, thu nhập người trồng mía. Các cơ chế và chính sách vẫn còn nhiều hạn chế. Hộ nông dân còn gặp khó trong việc tiếp cận thông tin về chính sách, thông tin về thị trường, giá cả, phụ thuộc vào các nhà máy. Chưa có quy định pháp lý nào về tỉ lệ chia sẻ lợi nhuận giữa nông dân và nhà máy. Cũng như thiếu minh bạch trong việc đánh giá chữ đường và tạp chất của các nhà máy.
Cũng theo VSSA, mặc dù Việt Nam đã thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch cánh đồng mẫu lớn từ lâu nhưng tình trạng manh mún đất đai vẫn là vấn đề chưa thể được giải quyết một sớm một chiều được. Đa phần diện tích trồng mía nguyên liệu đều đến từ các hộ nông dân với quy mô nhỏ, phân tán và chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu sản xuất công nghiệp nên rất khó có thể áp dụng cơ giới hóa cũng như tiến bộ khoa học kỹ thuật khác vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng mía, giảm chi phí sản xuất nguyên liệu, nâng cao sức cạnh tranh của ngành đường.
Ông Nguyễn Văn Lộc cho rằng thời gian qua, ngành mía đường gần như "chết lâm sàng", nay phải xây dựng lại vùng nguyên liệu. Tại mỗi vùng cần có mô hình canh tác phù hợp, không nhất thiết phải là cánh đồng lớn. Ngoài ra, việc củng cố lại mối quan hệ giữa nhà máy với nông dân sao cho hiệu quả, thu nhập tốt là yếu tố hàng đầu với ngành mía đường hiện nay.
Nguy cơ đường lậu trở lại
Thời gian gần đây, cân đối cung cầu đường thế giới đang nghiêng về thiếu hụt nguồn cung, theo dự báo mới nhất của Tổ chức Đường thế giới (ISO), vụ 2020-2021, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 4,8 triệu tấn đường. Cộng với việc Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, khiến cho lượng đường nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan theo Hiệp định ATIGA chững lại, tác động tích cực đến tình hình tiêu thụ và giá bán đường trong nước. Giá mua mía cuối vụ 2020-2021 vừa được các nhà máy đường điều chỉnh tăng lên thêm từ 150.000-250.000 đồng/tấn so với vụ trước đó. Thế nhưng, do quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan ban hành có phần trễ, thời vụ trồng mía mới ở hầu hết các vùng sắp hết nên diện tích mía trong vụ 2021-2022 sẽ khó tăng đột biến mà phải sau 2-3 vụ nữa, nguồn cung mía nguyên liệu mới được khôi phục, đáp ứng đủ nhu cầu chế biến cho khoảng 23-25 nhà máy. Dù vậy, mặt trái của việc áp thuế phòng vệ từ 33,88%-48,88% với đường Thái Lan là lượng đường buôn lậu có thể sẽ gia tăng do chênh lệch giá.
Quan niệm sai lầm
Theo báo cáo điều tra về gian lận của ngành đường Thái Lan do chuyên gia Antoine Meriot thuộc Công ty Tư vấn quốc tế LLC thực hiện từ năm 2015 đến nay (Liên minh ngành đường Mỹ - ASA - đặt hàng), năng suất bình quân của ngành mía đường Thái Lan khoảng 28,3 tấn/acre (tương đương 70 tấn/ha) và hàm lượng đường 12%-13%; trong khi Brazil, Úc, Mỹ với mức năng suất 32-36 tấn/acre (tương đương 79-89 tấn/ha) và hàm lượng đường 13%-14% cho thấy trình độ sản xuất mía đường của Thái Lan vẫn còn một khoảng cách khá xa. Về giá thành sản xuất, Brazil là nước hiệu quả nhất với 16 cent/lb, còn Thái Lan là từ 18-22 cent/lb.
Tuy nhiên, xuất khẩu đường của Brazil lại bị giảm thị phần từ 50,3% xuống 37,6% (từ năm 2009 đến 2019) và hầu hết thị phần này rơi vào tay Thái Lan, chiếm đến 17,5% thị phần thế giới vào niên vụ 2018-2019. Để bảo đảm thu nhập cho nông dân trồng mía, ngày 21-4-2020, chính phủ Thái Lan trực tiếp trợ cấp bằng cách ra nghị quyết phê duyệt dự án tài chính hỗ trợ nông dân trồng mía mua tư liệu sản xuất phục vụ niên vụ 2019-2020. Tổng quỹ ngân sách dành cho dự án khoảng 325 triệu USD. Bên cạnh đó, chính phủ Thái Lan còn quy định giá trần nội địa 17.695 đồng/kg đường (khoảng 755 USD/tấn), trong khi giá xuất khẩu bình quân với đường thô và đường tinh luyện chỉ 334 USD/tấn. Ngoài ra, dù tham gia ATIGA từ năm 2010 nhưng mặt hàng đường vẫn bị cấm nhập Thái Lan trong nhiều năm. Nhờ kết quả điều tra gian lận này, Brazil đã khởi kiện Thái Lan lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với cáo buộc Thái Lan gian lận thương mại.
Theo VSSA, loại đường được chính phủ Thái Lan "trợ giá" này chính là đường nhập lậu đã "tàn phá" ngành đường Việt Nam suốt nhiều năm. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, hầu hết dư luận đã bị dẫn dắt bởi nhận định trình độ ngành đường Việt Nam sản xuất yếu kém nên giá luôn cao hơn giá thế giới. Một số ý kiến còn đặt vấn đề có cần giữ ngành đường hay không. Cũng do nhận định này mà vào cuối năm 2018, một số doanh nghiệp đường đã chọn giải pháp giảm giá đường, giảm giá mía để cạnh tranh với đường nhập lậu. Thực tế đến nay cho thấy giải pháp đó chẳng khác nào hành động tự sát!