FED "rất tốt" khi hạ lãi suất 0,5% nhưng thị trường kỳ vọng nhiều hơn thế

04/03/2020 14:06 GMT+7
Cục Dự trữ Liên bang FED hôm 3/3 bất ngờ cắt giảm lãi suất 0,5%, một động thái khẩn cấp nhằm xoa dịu sự hoảng loạn trên thị trường trong bối cảnh dịch virus corona làm đảo lộn thị trường tài chính và mờ đi triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

FED cắt giảm lãi suất 0,5%, vì sao thị trường vẫn bán tháo?

FED "rất tốt" khi hạ lãi suất 0,5% nhưng thị trường kỳ vọng nhiều hơn thế - Ảnh 1.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang FED, ông Jerome Powell

Mặc cho mức cắt giảm lớn từ FED đưa lãi suất xuống mức mục tiêu là 1,25%-1,5%, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn lao dốc mạnh. Dow Jones bay hơn 785 điểm trong khi các chỉ số chứng khoán khác giảm sâu là minh chứng cho thấy nỗ lực của FED không đủ xoa dịu thị trường đang hoảng loạn.

Hãy nhìn vào những động thái trên thị trường chứng khoán Mỹ để thấy phản ứng không lấy gì làm thỏa mãn của giới đầu tư. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones bốc hơi 785,91 điểm, tương đương gần 3%, xuống 25.917,41 điểm trong khi S& P 500 giảm 2,8% xuống 3.003,37 điểm còn Nasdaq Composite tụt 3% xuống còn 8.684,09 điểm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên tụt xuống dưới 1%, mức thấp kỷ lục khi các nhà đầu tư đổ tiền vào trái phiếu. Giá vàng leo dốc mạnh 2,9% lên 1.644,40 USD / oz.

FED "rất tốt" khi hạ lãi suất 0,5% nhưng thị trường kỳ vọng nhiều hơn thế - Ảnh 2.

Dow Jones lao dốc mạnh dù FED tuyên bố cắt giảm lãi suất 0,5%

Nguyên nhân chính khiến giới đầu tư vẫn tiếp tục bán tháo sau khi FED cắt giảm lãi suất mạnh mẽ đến vậy được cho là do phát ngôn trong cuộc họp báo khẩn cấp của Chủ tịch FED Jerome Powell, rằng Ngân hàng Trung Ương hiện chưa sẵn sàng sử dụng bất kỳ công cụ bổ sung nào để kích thích nền kinh tế bao gồm cắt giảm lãi suất. Tức là FED hiện chưa có kế hoạch mở rộng bảng cân đối kế toán thông qua các công cụ khác bao gồm nới lỏng định lượng QE nhằm tăng thanh khoản, bơm tiền vào hệ thống tài chính. Thị trường rõ ràng đã thất vọng về những bình luận này.

George Selgin, giám đốc viện Nghiên cứu Cato Institute’s Center nhận định: “Những gì FED nên làm là tuyên bố sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để trấn an thị trường. Những bước đi tương lai quan trọng hơn rất nhiều so với hành động khẩn cấp hiện tại”.

Ông Selgin viện dẫn cách giải quyết khủng hoảng nợ khu vực đồng EUR của Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi vào năm 2012 khi ông này tuyên bố sẽ “làm bất cứ điều gì” để ngăn chặn cuộc khủng hoảng. Lời cam kết của Mario Draghi khi đó đã phần nào ngăn chặn sự hoảng loạn trong thị trường khu vực đồng EUR sắp tiến vào vùng suy thoái.

Theo ông Selgin, FED nên có cách giải quyết vấn đề tương tự như vậy. Thay vì cắt giảm 0,5% lãi suất ngay lập tức, họ có thể chỉ cắt giảm 0,25% nhưng hứa hẹn sẽ sử dụng mọi công cụ, làm bất kỳ điều gì có thể để giữ nền kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh dịch virus corona bùng phát, theo ông Selgin. Lời hứa hẹn của Jerome Powell sẽ có tác dụng trấn an thị trường hơn cả hành động cắt giảm lãi suất khẩn cấp 0,5%.

“Việc FED hành động ngay lập tức là động thái tích cực. Nhưng mức cắt giảm càng ít càng báo hiệu rằng FED sẵn lòng cắt giảm nhiều hơn, làm bất cứ điều gì cần thiết để nền kinh tế tốt hơn” - George Selgin.

Thị trường kỳ vọng FED hành động nhiều hơn

Sau khi cắt giảm lãi suất 0,5% xuống mức mục tiêu 1,25%-1,5% hôm 3/3, FED giờ đây chỉ còn dư địa 1% cho những lần cắt giảm tiếp theo nếu không muốn đưa lãi suất xuống mức âm như những gì Ngân hàng Trung Ương Châu Âu đang thực hiện. Và phố Wall thì mong đợi những đợt cắt giảm tiếp theo đến sớm ngay trong tháng 3, tháng 4 tới đây.

Bill English, cựu giám đốc chính sách tiền tệ của FED và hiện là giáo sư tài chính tại Trường Quản lý Yale nhận định: “Thị trường mong muốn những hành động nới lỏng lớn hơn nữa từ FED ngay cả khi thiệt hại kinh tế do dịch virus corona chưa được đo đếm cụ thể”. 

Các chuyên gia từ những ngân hàng lớn như Citigroup hay BofA đều kỳ vọng FED hạ lãi suất ít nhất 0,25% trong cuộc họp chính sách tiền tệ của Ủy ban thị trường Mở FOMC vào giữa tháng 3 này. Với viễn cảnh đó, mức cắt giảm lãi suất của FED trong tháng 3/2020 sẽ bằng tổng mức cắt giảm lãi suất cả năm 2019 của FED, tức 0,75%.

Một động thái hạ lãi suất sâu hơn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ Ủy ban thị trường mở FOMC khi một số thành viên hội đồng muốn chờ xem mức cắt giảm lãi suất 0,5% hôm 3/3 có tác động ra sao đến nền kinh tế. Tuy nhiên, nhà kinh tế Andrew Hollenhorst chỉ ra rằng các dữ liệu kinh tế suy yếu có lẽ sẽ thành công thuyết phục FOMC tiến hành ngay đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo để xoa dịu thị trường.

Chủ tịch FED chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester trong cuộc phỏng vấn ngay sau động thái cắt giảm lãi suất đã không trả lời câu hỏi liệu bà có ủng hộ một động thái nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa hay không.

Còn Lou Crandall, nhà kinh tế trưởng tại Wrightson ICAP nhận định quyết định cắt giảm lãi suất tiếp theo sẽ được đưa ra sau khi FED đánh giá những động thái của thị trường chứng khoán cũng như các dữ liệu kinh tế. “Họ (các quan chức FED) cần phải cân nhắc thêm các bằng chứng về những bất ổn, rủi ro thực sự với môi trường kinh doanh. Nếu các tác động của dịch virus corona với nền kinh tế Mỹ trở nên rõ ràng hơn, một đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo có thể sẽ hữu ích dù nó không giúp giải quyết tất cả vấn đề”. 

Ngay chính Tổng thống Donald Trump cũng đang gây áp lực cho FED tiếp tục cắt giảm lãi suất. Vài giờ sau khi FED tuyên bố hạ lãi suất 0,5%, Trump viết trên Twitter: “Cục Dự trữ Liên bang đã cắt giảm lãi suất nhưng tôi muốn một chính sách tiền tệ lỏng lẻo hơn nữa và quan trọng nhất là phải theo kịp các quốc gia, đối thủ thương mại khác…Đã đến lúc FED nới lỏng và cắt giảm lãi suất nhiều hơn”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục