Giảm một nửa đơn hàng, dệt may nguy cơ mất thêm việc làm

12/07/2020 09:23 GMT+7
50% đơn hàng dệt may bị huỷ trong tháng 5 kéo theo nguy cơ thất nghiệp gia tăng, nhất là khi các nước vẫn chưa thể kiểm soát Covid-19.

50% đơn hàng dệt may bị huỷ trong tháng 5 kéo theo nguy cơ thất nghiệp gia tăng, nhất là khi các nước vẫn chưa thể kiểm soát Covid-19.

Báo cáo 6 tháng của Bộ Công Thương ghi nhận sự sụt giảm đáng kể của ngành dệt may do ảnh hưởng của Covid-19. Sản xuất dệt nửa đầu năm tăng 2,8%, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ 2019. Sản xuất trang phục tháng 6 tăng 17,5% so với tháng 5 nhưng tính chung 6 tháng vẫn giảm gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh vì bị hoãn, huỷ, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán", Bộ Công Thương nhận xét.

Lượng đơn hàng dệt may bị hoãn, huỷ chủ yếu trong tháng 5 và 6. Báo cáo chỉ ra rằng, ngành dệt may có thể mất tới 50% đơn hàng trong tháng 5 và giá sản phẩm dệt may giảm khoảng 20%.

Giảm một nửa đơn hàng, dệt may nguy cơ mất thêm việc làm  - Ảnh 1.

Công nhân Công ty may TNG (Thái Nguyên) sản xuất khẩu trang trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Ngọc Thành

Nhu cầu trên toàn cầu đối với hàng may mặc và các sản phẩm thời trang giảm đi đáng kể, nhất là ở các quốc gia như Mỹ và châu Âu. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ thời trang đã phải huỷ những đơn hiện tại hoặc hoãn những đơn mới để đối phó với tình hình này.

Báo cáo trước đó của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng cho biết, khoảng 70% doanh nghiệp trong ngành đã giảm việc cho công nhân trong tháng 3 và 80% giảm lao động trong tháng 4 và tháng 5. Tình hình khó khăn càng bộc lộ rõ hơn từ cuối quý II, dự báo sẽ tiếp diễn trong quý III.

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, doanh thu và lợi nhuận nửa đầu năm nay chỉ bằng một nửa năm ngoái nhưng vẫn là "nỗ lực lớn" trong bối cảnh tình hình dịch bệnh khó đoán.

Theo ông Trường, hai tài sản lớn nhất của doanh nghiệp dệt may là lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì thế doanh nghiệp đang tìm mọi cách để giữ chân người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã phải xoay xở để chuyển hướng sang sản xuất cho thị trường nội địa hoặc trang phục y tế như khẩu trang và đồ bảo hộ để xuất khẩu. Tuy nhiên, cách này sẽ không đủ để bù đắp lại các đơn hàng đã bị huỷ.

Tổng giám đốc Vinatex thừa nhận, dù nỗ lực cũng chỉ có thể giữ chân người lao động trong 3-6 tháng. Nếu dịch kéo dài thêm, ông "không dám nói bảo toàn lực lượng tới lúc nào".

Lãnh đạo Vinatex đưa ra 2 kịch bản dự báo cho xuất khẩu dệt may năm nay. Ở kịch bản khả quan, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 33-34 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019. Kịch bản thấp hơn, xuất khẩu chỉ đạt 30 tỷ USD nếu làn sóng Covid-19 xuất hiện.

Chương trình nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS) trong một báo cáo mới đây khuyến nghị Chính phủ cần có chính sách hợp lý cho ngành dệt, đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng trong nước, và thu hút dịch chuyển đầu tư FDI vào sản xuất nguyên phụ liệu. MCSS cho rằng, "sản xuất vải vẫn đang là nút thắt cổ chai" của ngành dệt may Việt Nam, khi chi phí cho nhập khẩu nguyên phụ liệu chiếm khoảng 30%.

Bên cạnh tận dụng các FTA sẵn có, theo MCSS, Việt Nam cần khai thác một số thị trường mới, tiềm năng nhưng chưa được đầu tư đúng mức, đơn cử Mỹ và Canada.

MCSS cũng đánh giá, giai đoạn Covid-19, các doanh nghiệp dệt may còn ít đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm và công nghệ, còn giữ mức thâm dụng lao động cao. MCSS đề xuất định hướng thay đổi tổ chức sản xuất dựa theo công nghệ, nhằm nâng cao khả năng thích ứng trong tương lai.


Anh Minh/Vnexpress
Cùng chuyên mục