Hơn 18.000 gói thầu được đấu thầu qua mạng trong 7 tháng

06/08/2019 17:18 GMT+7
Trong 7 tháng đầu năm, cả nước chỉ đạt được 27,8% tổng số gói thầu và 12% tổng giá trị các gói thầu. Con số này khá khiêm tốn so với chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/2019/NQ-CP là 50% số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu.

So với đấu thầu truyền thống, đấu thầu qua mạng có nhiều điểm ưu việt hơn như: công khai hồ sơ mời thầu và thông tin chỉnh sửa, làm rõ hồ sơ mời thầu; nhà thầu không mất thêm các chi phí hành chính (mua hồ sơ mời thầu, in ấn, chi phí đi lại),... Tuy nhiên, kết quả thống kê cho thấy, tỉ lệ nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng còn thấp do tâm lý ngại thay đổi, chậm trang bị khả năng tiếp cận, đổi mới để áp dụng đấu thầu qua mạng.

Theo lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, năm 2019, 100% các gói thầu thuộc lĩnh vực hàng hóa, phi tư vấn, tư vấn nhỏ hơn hoặc bằng 2 tỷ đồng, các gói thầu thuộc lĩnh vực xây lắp nhỏ hơn hoặc bằng 5 tỷ đồng; đồng thời tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 50% và tổng giá trị gói thầu trong năm đạt tối thiểu 15%.

Mục tiêu năm 2020, 100% các gói thầu thuộc lĩnh vực hàng hóa, phi tư vấn, tư vấn nhỏ hơn hoặc bằng 5 tỷ đồng, các gói thầu thuộc lĩnh vực xây lắp nhỏ hơn hoặc bằng 10 tỷ đồng; đồng thời tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 60% và tổng giá trị gói thầu trong năm đạt tối thiểu 25%. Đến năm 2021, các gói thầu thuộc lĩnh vực hàng hóa, phi tư vấn nhỏ hơn hoặc bằng 10 tỷ đồng; các gói thầu thuộc lĩnh vực xây lắp tăng mức tư vấn lên nhỏ hơn hoặc bằng 20 tỷ đồng. Đối với tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 70% và tổng giá trị gói thầu trong năm đạt tối thiểu 35%.

Giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, các thông tin về đấu thầu, hợp đồng được đăng tải 100% trên Hệ thống; áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu; áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng 100% đối với việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên; áp dụng 100% mua sắm tập trung qua mạng.

Theo báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng 7 tháng đầu năm 2019 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, cả nước có 18.116 gói thầu được đấu thầu qua mạng với tổng giá trị gói thầu là 58.248 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này chỉ đạt được 27,8% tổng số gói thầu đã thực hiện và 12% tổng giá trị các gói thầu đã thực hiện so với chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/2019/NQ-CP là 50% số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu.

Dựa trên báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là doanh nghiệp dẫn đầu với tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng đạt 70,9% tổng số gói thầu và 39,9% tổng giá trị gói thầu. Các doanh nghiệp xếp sau có tỷ lệ thực hiện đấu thầu qua mạng về số lượng gói thầu cao là Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông VNPT (với 38,2% tổng số gói thầu và 7,9% tổng giá trị gói thầu), Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel (với 25,8% tổng số gói thầu và 10,1% tổng giá trị gói thầu), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (với 25,3% tổng số gói thầu và 7,6% tổng giá trị gói thầu).

Bên cạnh những doanh nghiệp có tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng về số lượng và giá trị gói thầu cao vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện một gói thầu nào theo hình thức đấu thầu qua mạng trong 7 tháng qua. Đơn cử là các doanh nghiệp: Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt  Nam.

Ngoài ra còn có một số doanh nghiệp thực hiện đấu thầu qua mạng nhưng với số lượng và giá trị gói thầu đạt rất thấp. Điển hình như Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) chỉ đấu thầu qua mạng một gói thầu với giá trị 415 triệu đồng, trong khi Tổng công ty này có tổng cộng 196 gói thầu với tổng giá trị gói thầu lên tới 3.465 tỷ đồng đã thực hiện lựa chọn nhà thầu trong 7 tháng qua.

Sau 3 năm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1402/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể, đấu thầu qua mạng đã đạt được một số kết quả nhất định. Giai đoạn 2016-2018, tổng số gói thầu đấu thầu qua mạng đạt 30.527 gói với tổng giá gói thầu là 61.872 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 57.266 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 7,44%. Tuy nhiên, hoạt động đấu thầu qua mạng vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: tỷ lệ đấu thầu qua mạng không đạt chỉ tiêu theo lộ trình quy định; tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của đấu thầu qua mạng chưa được khai thác tối đa; tổng giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng chiếm tỷ trọng chưa cao; giá trị pháp lý của văn bản điện tử giao dịch trên hệ thống chưa được các bên liên qua nhận thức và công nhận đầy đủ.

 

Thu Trà
Cùng chuyên mục