Hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Nam và vai trò liên kết sản xuất

01/12/2024 07:58 GMT+7
Nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Quảng Nam đẩy mạnh liên kết với các công ty tổ chức cho nông dân sản xuất giống lúa hàng hóa và lúa thương phẩm chất lượng cao theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu đầu ra đạt hiệu quả.
Hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Nam và vai trò liên kết sản xuất - Ảnh 1.

Trên địa bàn Quảng Nam ngày càng xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa. Ảnh: N.P

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Nhiều năm nay, nhờ HTX Nông nghiệp Đại Minh đứng ra làm trung gian, gia đình ông Nguyễn Thanh ở thôn Gia Huệ (xã Đại Minh, Đại Lộc) liên kết với Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên sản xuất 30 sào giống lúa thuần BC15 theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Năm 2024, hầu hết ruộng lúa giống BC15 của ông Thanh đều cho năng suất cao, bình quân đạt 400kg lúa giống khô/sào, công ty thu mua với mức giá 10.300 đồng/kg thì thu về hơn 4,1 triệu đồng/sào, tăng khoảng 1,3 triệu đồng/sào so với gieo sạ lúa thường.

Ông Ngô Văn Phi - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh cho biết, trong hai vụ của năm 2024, đơn vị liên kết với Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên tổ chức cho hơn 1.000 hộ nông dân sản xuất 235ha hạt giống lúa thuần các loại và đều cho năng suất cao.

"Với diện tích sản xuất nêu trên, trong năm 2024 nông dân xã Đại Minh cung ứng cho Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên 975 tấn lúa giống hàng hóa và đạt giá trị khoảng 10 tỷ đồng, tăng 2,5 tỷ đồng so với canh tác lúa thường. Về phía HTX, chúng tôi cũng lãi ròng hơn 100 triệu đồng từ mô hình liên kết sản xuất này" - ông Phi nói.

Hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Nam và vai trò liên kết sản xuất - Ảnh 2.

Liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa và lúa thương phẩm chất lượng cao không chỉ giúp nông dân tăng thêm nguồn thu nhập mà còn yên tâm về đầu ra sản phẩm. Ảnh: N.P

Theo tìm hiểu, thông qua các HTXNN, bình quân mỗi năm nông dân trên địa bàn huyện Đại Lộc hợp tác với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất 1.300ha hạt giống lúa thuần và 200ha hạt giống lúa lai. Qua đó giúp thu nhập của nhà nông tăng thêm 25-30% so với sản xuất lúa thường.

Mới đây, tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp năm 2024 do UBND tỉnh tổ chức, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho hay, trong hai vụ của năm nay có gần 30 công ty liên kết với nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức cho hàng chục nghìn hộ nông dân sản xuất lúa giống hàng hóa và lúa thương phẩm chất lượng cao với tổng diện tích hơn 5.200ha.

"Việc các HTX nông nghiệp đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp đã giúp Quảng Nam hình thành rất nhiều vùng sản xuất giống cây trồng có quy mô lớn. Qua đó giúp tăng hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, tăng thu nhập cho nông dân..." - Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích đánh giá.

Hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Nam và vai trò liên kết sản xuất - Ảnh 3.

Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh Quảng Nam được xem là "bệ đỡ" để các HTX nông nghiệp đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: N.P

"Bệ đỡ" từ Nghị quyết số 17

Bà Ngô Thị Liên ở xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) cho hay, trong 2 vụ đông xuân gần đây, nhờ sự hỗ trợ của HTX Nông nghiệp Quế Xuân 1, gia đình bà liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam triển khai sản xuất hạt giống lúa thuần Thiên ưu 8 trên 9 sào ruộng.

Bên cạnh tập huấn kỹ thuật canh tác, bà còn được HTX hỗ trợ một phần chi phí mua hạt giống và phân bón. "Qua 2 vụ canh tác, bình quân mỗi vụ 1 sào giống lúa thuần Thiên ưu 8 cho thu nhập khoảng 3,2 triệu đồng, tăng 1,2 triệu đồng so với làm lúa thường" - bà Liên cho hay.

Hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Nam và vai trò liên kết sản xuất - Ảnh 4.

Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh Quảng Nam được xem là "bệ đỡ" để các HTX nông nghiệp đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: N.P

HTX Nông nghiệp Quế Xuân 1 cho biết, thực hiện Nghị quyết số 17 ngày 17/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong hai vụ đông xuân 2022 - 2023 và 2023 - 2024, UBND huyện Quế Sơn có cơ chế hỗ trợ đơn vị triển khai dự án liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần.

Theo đó, mỗi vụ HTX Nông nghiệp Quế Xuân 1 liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam tổ chức cho gần 500 hộ dân canh tác 50ha hạt giống lúa thuần Thiên ưu 8. Ngoài ra, các hộ dân tham gia mô hình này cũng được ngành nông nghiệp huyện và HTX hỗ trợ khoảng 115.000 đồng/sào/vụ...

Kết quả bình quân mỗi vụ 1ha sản xuất hạt giống lúa thuần Thiên ưu 8 cho giá trị khoảng 60 triệu đồng, cao hơn 20 triệu đồng so với làm lúa thường. Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2024 - 2025 sắp tới, HTX Nông nghiệp Quế Xuân 1 tiếp tục hỗ trợ nông dân triển khai dự án liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần Thiên ưu 8 với diện tích khoảng 50ha.

Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh, những năm qua huyện đã chi khoảng 3,5 tỷ đồng hỗ trợ một số HTX nông nghiệp ở các xã Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú và thị trấn Hương An liên kết với doanh nghiệp triển khai 6 dự án, kế hoạch sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hạt giống lúa thuần và nếp thương phẩm chất lượng cao. Hầu hết mô hình đều giúp nông dân tăng thêm thu nhập, đảm bảo đầu ra sản phẩm.

Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh, Quảng Nam đã thu hút 75 HTX tham gia làm chủ trì 81 dự án liên kết sản xuất trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Tổng kinh phí ngân sách tỉnh đã chi hỗ trợ theo cơ chế quy định là 34 tỷ đồng...

N.Phương
Cùng chuyên mục