Không có “make in Vietnam” thì không thể thành nước phát triển
Bộ trưởng chia sẻ, không "Make in Vietnam" thì chúng ta không thể đi ra thế giới, không thể tự cường và Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng.
Hơn một năm vừa rồi, nước ta có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28% so với trước đó. Việt Nam đã có cộng đồng hơn 58.000 doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, đây là con số kỷ lục khi lúc đầu Việt Nam chỉ nghĩ đến con số cao nhất là 6.000 doanh nghiệp một năm. Rõ ràng, những nhà quản lý đã không đánh giá hết sức mạnh của người dân Việt Nam, nhất là khi có một ngọn cờ đúng đắn được giương cao.
Theo Bộ trưởng, "Make in Vietnam" là một khẩu hiệu hành động, thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Và Việt Nam đang chứng tỏ điều đó.
"Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ... Có lẽ Việt Nam là top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời COVID-19. Nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Vietnam thì chúng ta đã không làm được như vậy. Phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại rất khó dự đoán này", Bộ trưởng quả quyết.
Một trong những bước tiến được Bộ trưởng nhấn mạnh là Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ hạ tầng 5G, sản xuất thiết bị 5G. Đây là kết quả của sự lao động sáng tạo và quyết tâm bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn trở ngại.
Ông Phạm Kim Hùng, Founder & CEO của Base.vn – đơn vị đạt giải Nhất nền tảng số xuất sắc của Chương trình giải thưởng sản phẩm số "Make in Vietnam" lần đầu tiên do Bộ TT&TT tổ chức, cho biết, sau nhiều năm được nghe chia sẻ của 5.000 CEO với hàng nghìn bài toán quản trị, ông nhận ra rằng, các công ty Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ không những trong nước mà còn trên thế giới. Để chiến thắng trên chính sân nhà và cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung phát triển sản phẩm, luôn làm việc để kiến tạo các sản phẩm tốt hơn trước.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, cũng chia sẻ, lực lượng làm công nghệ thông tin của Việt Nam lúc này đang ở mức tương đương nhiều quốc gia phát triển, có thể giải quyết nhu cầu chuyển đổi số cho Việt Nam. Lợi thế của Việt Nam là chưa có nhiều ứng dụng, quá trình trung gian có thể bỏ qua mà đi thẳng lên chuyển đổi số. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin, startup dễ dàng cùng nhau xây dựng sản phẩm cho người dân, Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chiến lược của Việt Nam trong tương lai là xây dựng một Việt Nam số, là chuyển đổi Việt Nam từ thế giới thực vào thế giới ảo. Đây là chặng đường dài nhiều chục năm. Vì thế, Make in Vietnam cần một tầm nhìn dài hạn và những chiến lược giai đoạn. Lời giải vấn đề là công nghệ mở.
"Với định hướng phát triển công nghệ mở, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định, năm 2021 sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ của công nghệ Việt Nam.
Đây là năm thứ hai Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tổ chức để đánh dấu 1 năm cả nước nỗ lực thực hiện Chi thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định vai trò và sứ mạng chủ lực của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, hướng tới khát vọng xây dựng một quốc gia cường thịnh.