Không để DN phải tự "mò mẫm" đường đến “cao tốc” EVFTA

25/03/2020 06:00 GMT+7
Theo nhận định của giới chuyên môn, hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ví như “cao tốc” nối hoạt động kinh tế giữa “Việt Nam – châu Âu”. Tuy nhiên, không phải “chiếc xe” nào cũng có thể tiếp cận, các doanh nghiệp (DN) cần được hỗ trợ để có thể hiểu hết các lợi ích hiệp định mang lại.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, để được hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA, mỗi nhóm hàng hoá đều quy tắc, yêu cầu riêng.

Do đó, việc ban hành sớm thông tư hướng dẫn, linh hoạt hơn về hiệu lực thi hành sẽ có lợi ích lớn hơn cho doanh nghiệp. Tương tự với hàng EU nhập khẩu vào Việt Nam, với nhiều doanh nghiệp sẽ mang lại lợi ích cực kỳ lớn, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị, đầu vào cho sản xuất.

Vì vậy, bà Trang khuyến nghị các bộ ngành liên quan cần tăng cường hơn hoạt động tuyên truyền phổ biến cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn để được hưởng ưu đãi. Theo bà Trang, cần có các hướng dẫn bằng văn bản như sách cẩm nang để DN vận dụng hoặc các "đội phản ứng nhanh" hỗ trợ DN.

Không để DN phải tự "mò mẫm" đường đến “cao tốc” EVFTA - Ảnh 1.

Các DN cần được hướng dẫn cụ thể khi bước ra thị trường lớn EU.

"Trong những vấn đề quy tắc xuất xứ, văn bản đi sau thực tế, vì có muôn hình vạn trạng. Nên cơ quan quản lý có bộ phận phản ứng nhanh, để có vấn đề gì để giúp tháo gỡ cho doanh nghiệp, khắc phục vấn đề này" bà Trang đề xuất.

Đồng quan điểm trên, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho hay hiện tại Việt Nam nhận diện rõ cơ hội, thách thức từ hiệp định EVFTA.

Do đó, giải pháp để tận dụng cơ hội hoá giải thách nằm ở chỗ, trước hết, các cơ quan chức năng phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho DN.

"Nếu đưa ra các tài liệu chỉ dẫn đến một số trang thông tin của của châu Âu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và bảo DN đọc, nghiên cứu thì rõ ràng là rất mơ hồ

Các cơ quan Nhà nước cần chủ động hơn, thiết thực và hiệu quả hơn trong việc cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp càng cụ thể càng tốt, từ các quy định chung, đến các tiêu chuẩn kỹ thuật, các yếu tố riêng biệt của thị trường ngoài nước, đến các giải pháp thay đổi ứng phó với những quy định mới…", ông Hiếu phân tích.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, một vấn đề khác nữa là cần cải cách thể chế. Nguyên nhân là do, hiện tại, thể chế vẫn đang là rào cản đối với cộng đồng doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Nói về vấn đề các nhà chuyên môn đang đặt ra, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp đang tác động lớn tới nền kinh tế, việc sớm phê chuẩn EVFTA cùng với các biện pháp hỗ trợ sẽ sớm giúp DN vượt qua khó khăn, tiếp cận thị trường và phục hồi sản xuất.

"Việc phê chuẩn đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên cơ sở Bộ Công thương xây dựng hồ sơ, đang trình lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Khi hoàn tất, Chủ tịch nước sẽ trình lên Quốc hội vào tháng 5.

Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện hiệp định. Theo quy trình thông thường, phải sau 45 ngày thông tư mới có hiệu lực, nên Bộ Công thương sẽ xin phép để khi hiệp định được thông qua và có hiệu lực thi hành, thông tư được ban hành cũng sẽ có hiệu lực ngay, giúp doanh nghiệp tận dụng ngay lợi ích", ông Thái cho biết.

Ngoài ra, ông Thái cũng thông tin thêm, Đại diện Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan chủ động dự thảo văn bản hướng dẫn, đặc biệt như đối với biểu thuế ưu đãi áp dụng cho EU và quy tắc xuất xứ áp dụng với hàng EU vào Việt Nam; các cam kết mua sắm công; hay đấu thầu thuốc thực phẩm..., tránh trường hợp ban hành văn bản muộn sẽ gây khó khăn thực thi.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục