Mua xe máy, sắm ti vi nhờ giống cây độc mọc hoang

13/06/2020 10:00 GMT+7
Là loài cây mọc hoang có độc tính mạnh nhưng gần đây, ấu tẩu đã trở thành cây trồng phổ biến, cho thu nhập cao.

Từng bị xa lánh vì độc tính chết người

Ấu tẩu là một loại dược liệu quen thuộc được trồng nhiều nhất ở xã Cao Mã Pờ (huyện Quản Bạ, Hà Giang). Đây cũng là vùng trồng ấu tẩu cho chất lượng củ tốt bậc nhất của tỉnh.

Hiện, xã Cao Mã Pờ hiện có hàng chục hecta đất trồng cây ấu tẩu. Năng suất bình quân đạt khoảng 50 tạ/ha.

Củ ấu tẩu còn có tên gọi khác là ô đầu, phụ tử… Theo y học, củ ấu tẩu có vị cay tê, tính nóng, và có tác dụng chữa bệnh rất tốt.

Mua xe máy, sắm ti vi nhờ giống cây độc mọc hoang - Ảnh 1.

Theo y học, củ ấu tẩu có vị cay tê, tính nóng, và có tác dụng chữa bệnh rất tốt.

Ấu tẩu là loại cây có độc tính mạnh, thường mọc hoang ở các vùng núi cao Tây Bắc.  Lượng độc của ấu tẩu có thể làm cho người tê cứng chân tay, tắc nghẽn mạch máu, đông máu mà chết.

Mang tiếng là độc dược nhưng ấu tẩu vẫn được người dân Hà Giang biết đến và sử dụng để chế biến món ăn, làm thuốc chữa bệnh từ nhiều năm nay.

Từ xa xưa, người dân ở đây đã dùng rượu ngâm ấu tẩu để chữa trị các chứng phong, tê chân, tay, xương, khớp hoặc chữa cảm gió rất hiệu quả.

Tuy độc tính trong củ ấu tẩu có thể gây nguy hiểm nếu dùng sai cách nhưng qua bàn tay chế biến của người Hà Giang, loại độc dược này lại trở thành nguyên liệu có hương vị hấp dẫn, khó quên.

Chẳng thế mà người Hà Giang có món “cháo độc” nổi tiếng xa gần chính là món cháo thơm ngon chế biến từ loại củ độc dược này.

Thực khác xa gần đến Hà Giang đều háo hức mong được thưởng thức món cháo ấu tẩu có hương vị độc đáo, ăn xong bỗng thấy thấy máu huyết lưu thông, khoan khoái trong người.

Trước đây, ấu tẩu chủ yếu mọc hoang không ai ngó ngàng vì sợ độc tính chết người của nó. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do ấu tẩu mang lại giá trị kinh tế cao, có đầu ra ổn định nên ngày càng nhiều hộ tham gia trồng loại cây này.

Nhờ trồng ấu tẩu, nhiều hộ đã thoát nghèo và trở nên khấm khá. Trung bình, mỗi hộ thu lời hàng chục triệu đồng mỗi năm. Đây là số tiền không nhỏ đối với người dân địa phương.

Đỡ vất vả lại có tiền

Một người dân địa phương cho biết thời gian trước, giá ấu tẩu chỉ khoảng 40 – 50 nghìn đồng/kg, đầu ra không có nên không ai mặn mà.

Vài năm trở lại đây, chính quyền địa phương tích cực tìm đầu ra cho ấu tẩu nên giá vừa cao vừa ổn định, có lúc lên tới 100 nghìn đồng/kg.

Mua xe máy, sắm ti vi nhờ giống cây độc mọc hoang - Ảnh 2.

Nhiều người dân ở Hà Giang đã "phất" lên nhờ củ ấu tẩu.

“Đấy là có thương lái về tận nhà thu mua rồi mang đi chứ không như ngô, khoai, sắn… phải gùi từng gùi ra chợ bán mà tiền thu được không đáng là bao. Trước trồng ngô không có tiền, đi chợ không dám mua gì. Giờ trồng ấu tẩu có tiền, mua tivi, mua xe máy, điện thoại…” – người này chia sẻ.

Cũng theo người dân địa phương, ấu tẩu được trồng từ khoảng tháng 12 (âm lịch) đến tầm tháng 7 năm sau là cho thu hoạch. Trồng ấu tẩu không mất nhiều công chăm sóc như trồng ngô, chỉ cần làm tơi xốp đất đầu vụ, bón một đợt phân là chờ thu hoạch.

Trồng ấu tẩu vừa phù hợp với đất đai, địa hình miền núi vừa chothu nhập cao gấp 4 - 5 lần trồng ngô.

Để đảm bảo đầu ra, cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm, từ năm 2018, chính quyền địa phương đã phối hợp với doanh nghiệp thành lập HTX dịch vụ tổng hợp thu mua ấu tẩu để sản xuất cao.

Cao ấu tẩu là một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương và đang dần hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP của huyện. Việc này không chỉ giúp người dân tiêu thụ sản phẩm mà còn đa dạng hóa sản phẩm, giúp sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Nếu trước đây, nhiều người không dám mua về sử dụng vì sợ độc tố của ấu tẩu có thể gây nguy hiểm thì giờ đây, với sản phẩm dạng cao, người dùng đã yên tâm hơn khi sử dụng.

Nhờ tìm được đầu ra, ổn định giá cả, người dân yên tâm mở rộng diện tích trồng ấu tẩu, cuộc sống dần thoát khỏi nghèo đói, nhiều hộ trở nên khấm khá.

Minh Phương
Cùng chuyên mục