Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nếu lưỡng đảng không gấp rút giải quyết vấn đề trần nợ công

06/10/2021 16:17 GMT+7
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ nếu Quốc hội không sớm nâng trần nợ công.

“Tôi coi ngày 18/10 là hạn chót. Sẽ là một tình huống thảm họa nếu mất khả năng thanh toán các hóa đơn của chính phủ, vì chúng ta đang trong tình thế cạn kiệt nguồn lực” - Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tuyên bố trong cuộc phỏng vấn trên tờ CNBC.

Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào cuối tháng trước, bà Yellen cùng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cũng đưa ra một thông điệp khẩn cấp về việc thông qua dự luật tiếp tục tài trợ cho chính phủ Mỹ duy trì hoạt động, nếu không đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 có thể sẽ hoàn toàn đình trệ.

Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nếu lưỡng đảng không gấp rút giải quyết vấn đề trần nợ công - Ảnh 1.

Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nếu lưỡng đảng không gấp rút giải quyết vấn đề trần nợ công (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó nhấn mạnh nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ có thể làm sụp đổ lòng tin vào đồng USD với tư cách đồng tiền dự trữ toàn cầu, đồng thời trì hoãn các khoản trợ cấp an sinh xã hội, trả lương cho quân nhân và rất nhiều khoản thanh toán khác của chính phủ - vốn là nguồn sinh kế chính với một lượng lớn người Mỹ. 

“Quốc hội bắt buộc phải giải quyết vấn đề giới hạn nợ. Nếu không, ước tính hiện tại của chúng tôi cho thấy các biện pháp đặc biệt bổ sung của Bộ Tài chính có khả năng sẽ hết hiệu lực từ ngày 18/10 tới. Tại thời điểm đó, chúng tôi cho rằng Bộ Tài chính sẽ sớm cạn kiệt với nguồn lực tài chính còn lại vô cùng hạn chế. Đó sẽ là lần đầu tiên nước Mỹ vỡ nợ trong lịch sử. Niềm tin và sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế với Mỹ sẽ suy giảm, và kết quả là đất nước có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế”.

Hiện Mỹ đang có mức trần nợ công 28,4 nghìn tỷ USD. Trước đó, hôm 2/8, trong nỗ lực tránh nguy cơ vỡ nợ chính phủ, Bộ Tài chính đã buộc phải khởi động các biện pháp đặc biệt khẩn cấp bao gồm tạm dừng các khoản thanh toán thường xuyên cho nhiều loại quỹ hưu trí trong nỗ lực duy trì nguồn tiền mặt. Đây được coi là một giải pháp tình thế nhằm duy trì ngân sách hoạt động cho chính phủ Mỹ trong khi chờ đợi Quốc hội thông qua dự luật phân bổ ngân sách và đình chỉ trần nợ công. Nhưng với tốc độ vay nợ như hiện tại, Bộ Tài chính Mỹ sẽ cạn nguồn lực vào giữa tháng 10 tới (cụ thể theo bà Yellen là ngày 18/10), qua đó kéo theo nguy cơ vỡ nợ do mất khả năng thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 4/10 cũng kêu gọi Quốc hội nâng trần nợ công ngay trong tuần này, tránh gây rủi ro hỗn loạn cho nền kinh tế. Ông Biden đổ lỗi cho các thành viên Đảng Cộng hòa đã ngăn chặn Quốc hội nâng trần nợ công, điều đe dọa đưa nước Mỹ tiến vào suy thoái. Trước đó, Đảng Cộng hòa đã thành công ngăn chặn dự luật phân bổ ngân sách Chính phủ do Đảng Dân chủ đề xuất với tỷ lệ sít sao: 48 phiếu thuận và 50 phiếu bác. Kết quả này khiến Thượng viện Mỹ đi tới quyết định bác bỏ việc đình chỉ trần nợ công cũng như dự luật phân bổ ngân sách nhằm ngăn chặn nguy cơ chính phủ ngừng hoạt động từ ngày 30/9.

Mặc dù Mỹ chưa bao giờ vỡ nợ, các nhà kinh tế tin rằng nguy cơ vỡ nợ sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho nền kinh tế cũng như làm xói mòn niềm tin thị trường vào khả năng Washington thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong tương lai đúng hạn. Ngoài ra, việc Mỹ vỡ nợ cũng có khả năng làm trì hoãn các gói an sinh xã hội cho khoảng 50 triệu người cao tuổi trên toàn đất nước.

Các nhà lập pháp ở lưỡng đảng Mỹ đều đồng thuận rằng trần nợ công cần được nâng lên để tránh nguy cơ biến động kinh tế. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn chưa đạt được thỏa hiệp nào trong phiên thảo luận sáng 5/10. Khúc mắc chính giữa các nhà lập pháp đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa là làm thế nào để nâng trần nợ công. 

Đảng Cộng hòa phản đối “kế hoạch chi tiêu quá tay” của Đảng Dân chủ và chính quyền Tổng thống Biden. Họ cho rằng nên khắc phục vấn đề bằng cách đình chỉ các gói chi tiêu trị giá hàng tỷ USD mà chính quyền ông Biden đưa ra.


NTTD
Cùng chuyên mục