Ngân hàng lo rủi ro tín dụng bất động sản, BOT giao thông
Ảnh minh họa.
Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết sau chất vấn.
Về cơ bản Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao và đạt được mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra, báo cáo nêu khái quát.
Gần hai năm xử lý 227,86 nghìn tỷ nợ xấu
Liên quan đến xử lý nợ xấu, vấn đề luôn được đề cập trong các phiên thảo luận tại nghị trường, báo cáo cho biết, về xử lý nợ xấu nội bảng (theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN), Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mãi tài sản bảo đảm) của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro; tích cực áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.
Nhờ đó, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 907,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến 3/2019 ở mức 5,88%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 7,36% cuối năm 2017.
Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 117,8 nghìn tỷ đồng.
Đối với việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, lũy kế từ 2013 đến 3/2019, VAMC mua nợ xấu đạt 338.849 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng tương ứng với giá mua nợ là 307.567 tỷ đồng.
Mua nợ theo giá trị thị trường, lũy kế đến 3/2019, VAMC đã mua được 46 khoản nợ với dư nợ gốc đạt 5.882 tỷ đồng và giá mua bán nợ đạt 5.960 tỷ đồng.
Lũy kế từ 2013 đến 3/2019, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ ước đạt 120.511,6 tỷ đồng. Đặc biệt từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong năm 2017, 2018 ước đạt 67.891 tỷ đồng, gần bằng 57% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến năm 2018.
Nhiều lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Phần khó khăn, vướng mắc, Ngân hàng Nhà nước cho biết, vệc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro đối với ngân hàng. Do quy định pháp luật đối với thị trường bất động sản còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình bất động sản mới. Đầu tư kinh doanh bất động sản là kênh đầu tư có kỳ vọng lợi nhuận cao dễ dẫn đến đầu cơ trên thị trường. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng mất cân đối cung cầu tại một số phân khúc bất động sản…
Khó khăn nữa được nêu là việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn vì đây là các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian cho vay dài, năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế; tài sản đảm bảo chủ yếu là quyền thu phí trong khi chính sách phí chưa thực sự ổn định, nguy cơ chuyển nợ sang nhóm nợ xấu rất lớn.
Việc cấp tín dụng đối lĩnh vực chứng khoán theo Ngân hàng Nhà nước cũng tiềm ẩn rủi ro do thị trường chứng khoán Việt Nam còn hạn chế so với các thị trường phát triển, chuẩn mực kế toán và minh bạch thông tin còn khoảng cách so với quốc tế; khung pháp lý về hoạt động của thị trường chứng khoán chưa hoàn thiện, tiềm ẩn rủi ro đối với nhà đầu tư cũng như an toàn vốn tín dụng.
Khó khăn tiếp theo là nợ xấu chương trình cho vay hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá ngày càng gia tăng (đến cuối năm 2018, nợ xấu chiếm 17%) một phần do người dân thiếu ý thức trả nợ vay, các ngân hàng chậm được Bộ Tài chính quyết toán số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng vay vốn nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg,...
Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá, vừa qua, hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội và hoạt động ngân hàng. Đối tượng vay tín dụng đen chủ yếu để đáp ứng các nhu cầu không chính đáng, bất hợp pháp (cá độ, lô đề, cờ bạc,...) hoặc không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Các đối tượng cho vay tín dụng đen sử dụng nhiều biện pháp để khống chế người vay (chỉ ghi nhận nợ là tổng số nợ, hoặc ghi nhận tiền chạy việc,...).
Tuy nhiên, hiện nay quy định pháp luật còn bất cập, các cơ quan tư pháp khó quy kết hành vi cho vay nặng lãi theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.