Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát đặc biệt với SCB

27/12/2022 14:10 GMT+7
Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục kiểm soát đặc biệt đối với SCB, duy trì hoạt động ổn định của ngân hàng.

Đó là khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đưa ra tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023 sáng nay (27/12).

Phó Thống đốc cho biết, trong năm 2022, công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, ban hành và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng để triển khai đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.

Về cơ bản sự ổn định, an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được giữ vững. Năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành, các chuẩn mực, thiết chế an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng từng bước được củng cố, tiệm cận thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Đồng thời, nhờ tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nên tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn.

Tính đến nay, nợ xấu nội bảng dưới 2% (1,92%). Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú vẫn lưu ý về nguy cơ nợ xấu tăng trong năm 2023.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát đặc biệt với SCB - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Định hướng nhiệm vụ năm 2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, ngành Ngân hàng sẽ triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025".

Trong đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các TCTD...

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.

Nhắc đến việc người dân ồ ạt rút tiền tại ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, động thái này đã ảnh hưởng xấu đến tâm lý của người dân cả nước.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục kiểm soát đặc biệt đối với SCB, duy trì hoạt động ổn định của ngân hàng.

Về khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản, ông Đào Minh Tú cho biết dự kiến thời gian tới NHNN sẽ phối hợp tổ chức diễn đàn về tín dụng cho thị trường bất động sản, tìm giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, không để "bong bóng" nhưng cũng không để "đóng băng". Đồng thời, tiến hành thanh tra, khảo sát, báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn.

Cũng theo lãnh đạo NHNN, năm 2023 NHNN tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cũng trong định hướng điều hành năm 2023, NHNN cho biết cơ quan này tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.



Huyền Anh
Cùng chuyên mục