Nhân dân tệ vượt “lằn ranh đỏ”, Việt Nam nên hành động thế nào?

08/08/2019 09:43 GMT+7
Việc tỷ giá CNY/USD xuyên qua mức 7 – mốc lằn ranh đỏ để các nhà đầu tư tại Trung Quốc nhìn vào, quyết định ở lại hay tháo chạy, sẽ khiến đồng tiền của các thị trường mới nổi khác ít nhiều chịu áp lực. Có ý kiến cho rằng, đây chưa phải lần cuối cùng Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ và Việt Nam không vì thế mà phá giá tiền đồng một cách ồ ạt với cường độ lớn như đã làm cách đây 4-5 năm trước đây.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang sau tuyên bố trên Twitter ngày 1/8/2019 của Tổng thống D. Trump rằng Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD còn lại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/9/2019 và mức thuế có thể tăng lên 25% sau này.

Ngày 5/8, Trung Quốc đã bất ngờ giảm mạnh 1,3% giá trị đồng nội tệ của mình so với USD như một sự đáp trả đối với Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây cũng là lần đầu tiên sau 11 năm kể từ năm 2008, Trung Quốc phá vỡ mốc này. Ngay sau đó, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ.

Kịch bản giảm giá của đồng CNY

Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và nhóm nghiên cứu tại BIDV, khả năng Trung Quốc phá giá sâu hơn nữa CNY là khó xảy ra, nếu không kinh tế nước này sẽ gánh chịu tổn thất nặng nề.

Ông Lực cho rằng, có 2 lý do khiến cho CNY khó có khả năng mất giá sâu hơn nữa. Thứ nhất, việc bị Mỹ coi là quốc gia thao túng tiền tệ sẽ khiến chiến tranh thương mại căng thẳng hơn nữa. Thứ hai, nếu CNY mất giá mạnh, dòng vốn FDI sẽ chảy ồ ạt ra khỏi Trung Quốc.

Diễn biến đồng CNY so với USD trong thời gian qua

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh thêm, CNY mất giá mạnh tác động nhất định đến kinh tế thế giới. Đặc biệt, sự mất giá cuả CNY sẽ làm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng hơn, biểu hiện là Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Thứ hai, động thái của Trung Quốc có thể khiến một số nước lớn theo dõi, xem xét điều chỉnh tỷ giá trong nước. “Tình hình chưa đến mức là cuộc chiến tiền tệ song đang tạo ra những tác động, cú hích để các nước có thể xem xét điều chỉnh tỷ giá nội tệ”, TS. Lực nhận định.

Đồng quan điểm, tại báo cáo phân tích vừa phát hành của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì nhìn nhận, trước khó khăn từ thương mại với Mỹ, Trung Quốc cũng ít nhiều có động lực để cho đồng nội tệ của mình đó là giảm giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu nhưng BVSC cho rằng, quốc gia này cũng hoàn toàn không muốn một kịch bản giảm giá mạnh của đồng nội tệ.

Báo cáo của BVSC nêu rõ, Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá, một mặt là để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, mặt khác là để thể hiện sự cứng rắn của mình trong chiến tranh thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, sau khi được điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ so với Đô la Mỹ đã tương đối ổn định ở mức trên 7 USD/CNY trong mấy ngày qua.

Diễn biến này cho thấy Trung Quốc đang can thiệp để ổn định tỷ giá nhằm tránh sự tháo chạy của các dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng như hạn chế kỳ vọng đồng nhân dân tệ mất giá mạnh có thể khiến người dân trong nước gia tăng tích trữ ngoại tệ. Trong thời gian tới xu hướng tỷ giá đồng nhân dân tệ tiếp tục ổn định ở mức trên 7 CNY đổi 1 USD nhiều khả năng sẽ vẫn được duy trì, nếu Mỹ không đưa ra các chính sách mới làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa 2 nước.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Đứng ở một góc độ khác, TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia lại cho rằng, đây chưa phải là lần cuối cùng Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ.

“Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc kể từ đầu tháng 9 tới là nguyên nhân chính kích hoạt đà giảm mạnh của CNY, đặc biệt là mức giảm 1,3% trong ngày 5/8 vừa qua. Thế nhưng, theo tôi dự đoán, đây sẽ chưa phải là lần cuối cùng Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.

Nói chung, phá giá tiền tệ là biện pháp phòng vệ thương mại ích kỷ, rất dễ dàng dẫn đến cuộc chiến tranh tiền tệ và gây những xáo trộn rất lớn cho ngành tài chính toàn cầu. Thế nhưng, đây là biện pháp nhiều nước sử dụng chứ không riêng gì Trung Quốc, để giữ được mặt bằng cán cân thương mại”, vị này nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế của Merrill Lynch thì cho rằng, tỷ giá NDT/USD có thể vượt ngưỡng 7,5 nếu ông Trump tiếp tục tăng thuế từ 10% lên 25% với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc.

Áp lực nào với tỷ giá VND/USD?

Trước áp lực phá giá mạnh của đồng Nhân dân tệ, các quốc gia khác cũng sẽ có động thái phá giá tiền tệ để ứng phó và giảm thiểu thiệt hại của họ đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, mức độ nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào chính sách và mục tiêu điều hành của từng quốc gia.

Như vậy, vô hình chung sẽ biến thành cuộc chạy đua phá giá tiền tệ hay nói cách khác là chiến tranh tiền tệ. Và đương nhiên, Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài “cuộc chơi” này khi Việt Nam có giao dịch mua bán với Trung Quốc khá lớn.

Tuy nhiên, các chuyên gia có chung nhận định khó có chuyện đồng Việt Nam phá giá mạnh bởi CNY chỉ là 1 trong số 8 lợi tiền tệ nằm trong rổ tiền tệ để tính tỷ giá trung tâm của ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra, các nhà điều hành tỷ giá khi điều chỉnh tỷ giá tính toán rất nhiều nhân tố như: kim ngạch xuất nhập khẩu, vốn FDI, yếu tố vĩ mô trong nước… Hiện tại, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cao kỷ lục đang là hỗ trợ tốt cho việc điều hành tỷ giá của NHNN.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, về nguyên tắc, đồng CNY mất giá sẽ tạo sức ép cho đồng tiền Việt Nam, dù cơ quan quản lý là NHNN có can thiệp hay không cũng bị sức ép từ thị trường. Song nếu nhìn lại quá khứ, kể từ tháng 4 cho đến cuối năm 2018, đồng CNY mất giá khoảng 9,4%, trong khi đó đồng Việt Nam chỉ là 3,5%. Điều đó có nghĩa cách điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là không để đồng Việt Nam mất giá mạnh với đồng USD như đồng CNY của Trung Quốc mất giá so với USD.

“Nếu CNY mất giá 10 đồng thì tiền đồng mất 3 thôi vì lúc đó sẽ giúp hàng hóa Việt Nam không bị mất năng lực cạnh tranh quá lớn so với hàng Trung Quốc. Nếu hàng Trung Quốc hưởng lợi từ việc mất giá đồng tiền quá nhiều sẽ tràn ngập Việt Nam. Do vậy, nên để cho đồng Việt Nam điều chỉnh nhưng cũng không quá lớn so với đồng USD” - ông Thành phân tích.

Còn tại báo cáo phân tích vừa phát hành, các chuyên gia phân tích từ BVSC cũng cho biết với Việt Nam, tỷ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên Ngân hàng Nhà nước vẫn đang còn khá nhiều dư địa để điều hành trước diễn biến mới của đồng Nhân dân tệ.

“Dù có thể chịu sức ép giảm giá theo NDT nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp điều hành, không để VND giảm giá quá sâu trên 3% nhằm tránh rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ” - BVSC nhận định.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo thêm, “Tỷ giá không tác động nhiều đến xuất nhập khẩu của Việt Nam do cấu trúc nền kinh tế. Thứ hai, Việt Nam đang bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi về chính sách tiền tệ, nên phải cực kỳ thận trọng, không để bị cuốn theo cuộc xung đột tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Phải lưu ý đối với nền kinh tế nước ta, ổn định vĩ mô là quan trọng nhất, muốn vậy thì cần phải ổn định tỷ giá”.

“Chúng ta cần hành động một cách cẩn thận. Về cơ bản cũng có thể điều hành tỷ giá hối đoái một cách linh hoạt hơn, nhưng không nên phá giá ồ ạt với cường độ lớn như đã làm cách đây 4-5 năm trước”, ông Lê Xuân Nghĩa đề xuất.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục