Nhiều cảng ở bờ Tây nước Mỹ tắc nghẽn nghiêm trọng, hãng vận tải container lớn nhất thế giới phải đưa ra cảnh báo

17/08/2021 15:54 GMT+7
Mối quan ngại về tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu đang tăng cao hơn bao giờ hết sau khi các cảng bờ Tây nước Mỹ cũng ghi nhận tình trạng trì trệ nghiêm trọng.

Cuối tuần trước, dữ liệu AIS (quản lý tàu cận bờ) cho thấy có khoảng hơn 30 tàu container lớn đang neo đậu ở Vịnh San Pedro, ngoài khơi xa các cảng Los Angeles và Long Beach bờ Tây nước Mỹ.

Hãng vận tải container lớn nhất thế giới Maersk đã phải lên tiếng cảnh báo khách hàng về nguy cơ chậm hàng khi các cảng quan trọng này tắc nghẽn nhiều ngày. Phía đại diện của Maersk cũng cho hay tình hình ở Nam California đang tiếp tục xấu đi khi số lượng tàu neo đậu xa bờ chờ đến lượt cập cảng đã tăng gấp đôi trong những tuần qua. 

Nhiều cảng ở bờ Tây nước Mỹ tắc nghẽn nghiêm trọng, hãng vận tải container lớn nhất thế giới phải đưa ra cảnh báo - Ảnh 1.

Hàng loạt cảng ở bờ Tây nước Mỹ tắc nghẽn nghiêm trọng, nhiều tàu container phải neo xa bờ chờ đến lượt (Ảnh: Bloomberg)

Cũng theo Maersk, trên bờ biển phía đông và đông nam, thời gian tồn đọng container đang ngày một kéo dài. Kết hợp với tình trạng các tuyến vận tải đường bộ đã trì trệ khoảng 2 tuần nay, chuỗi cung ứng container đang đối mặt với thách thức lớn. Các hãng vận tải gặp khó khăn lớn trong việc giao hàng cho các nhà nhập khẩu Mỹ đúng hạn và trả container rỗng về cho các nhà xuất khẩu châu Á kịp thời. Tình trạng thiếu container đang gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Trong vài tuần qua, chúng tôi đang bắt đầu nhận thấy sự tăng nhanh thời gian lưu trú trung bình của các container ở các cảng đông bắc nước Mỹ”, theo tuyên bố của Maersk. Cụ thể, thời gian lưu trú trung bình của các container ở Mỹ đã tăng 35%, đồng nghĩa công suất container nhìn chung bị giảm 35%.

Tờ Bloomberg thì cho hay bình quân các tàu container đến các cảng bờ Tây nước Mỹ phải chờ khoảng 6,2 ngày để tìm được nơi neo đậu, dài hơn thời gian 5,4 ngày vào cuối tháng 6. Tình trạng này góp phần làm tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã mong manh trong suốt một năm qua do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Ở bên kia đại dương, tại Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh, tình hình cũng không lạc quan hơn là bao. Trung Quốc hôm 11/8 đã đóng cửa một phần cảng Ninh Ba - Chu Sơn, cảng container lớn bậc nhất trong nước sau khi phát hiện một công nhân dương tính với Covid-19. Cho đến nay, đã gần 1 tuần trôi qua và nhà ga Meishan vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại.

Theo tính toán của nhà tư vấn GardaWorld, nhà ga Meishan chiếm khoảng 25% lượng hàng container thông qua cảng Ninh Ba - Chu Sơn. Ngay sau khi nhận được thông tin nhà ga này đóng cửa, hãng tàu Hapag-Lloyd AG của Đức đã cảnh báo về sự trì hoãn các chuyến hàng. 

Nguy cơ nhà ga Meishan đóng cửa nhiều ngày có thể làm gia tăng căng thẳng cho hoạt động vận chuyển và cung ứng hàng hóa thông qua Trung Quốc, qua đó đẩy giá cước vận tải và giá hàng hóa xuất khẩu lên cao, làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát vốn đã là vấn đề nhức nhối trong nền kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, thống kê cho thấy kim ngạch thương mại đường biển thường tăng vọt vào cuối năm khi các công ty vận tải tăng cường vận chuyển các chuyến hàng phục vụ kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới. 

Đây là lần thứ hai Trung Quốc đóng cửa một phần một cảng biển lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hồi tháng 5, cảng Diêm Điền đã bị đóng trong gần một tháng do sự xuất hiện ổ dịch Covid-19 liên quan đến cảng này. Cảng Diêm Điền nằm ở Thâm Quyến - trung tâm công nghiệp và xuất khẩu hàng đầu miền nam Trung Quốc. Đây cũng là một trong những cảng bận rộn nhất hành tinh, với khối lượng hàng hóa thông quan trong năm 2020 lên tới 13,34 triệu TEU (container tiêu chuẩn 20 ft), theo số liệu từ Cục Vận tải Thâm Quyến. Công suất phục vụ của cảng khoảng 100 tàu mỗi tuần, theo dữ liệu của trang web chính quyền Thâm Quyến

Giới chuyên gia cảnh báo bất kỳ sự chậm trễ nào do tình trạng tắc nghẽn tại các cảng cũng có nguy cơ gây áp lực lên chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc vốn đã lên mức kỷ lục do nhu cầu xuất khẩu tăng vọt, tình trạng thiếu container và nhiều yếu tố khác của chuỗi cung ứng toàn cầu giữa đại dịch Covid-19.


NTTD
Cùng chuyên mục