Nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm sâu kế hoạch lợi nhuận
Công ty ngoại thương và phát triển đầu tư TP HCM (Fideco, HoSE: FDC) làm dấy lên niềm hy vọng cho cổ đông tại đại hội thường niên khi đề ra kế hoạch kinh doanh cực kỳ tham vọng, tỷ lệ cổ tức cũng hấp dẫn 50% vốn điều lệ cho năm 2019 sau khi lỗ ròng 35 tỷ đồng năm 2018.
Tuy nhiên, mới đây công ty công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2019. Cụ thể, HĐQT trình cổ đông điều chỉnh kế hoạch doanh thu hợp nhất từ 966 tỷ về 349 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 376,6 tỷ về 69 tỷ đồng; tương ứng tỷ lệ giảm 64% và 81,6%. Công ty dự kiến không chia cổ tức.
Công ty cho biết dự án Cần Giờ gặp vướng mắc pháp lý khi ngày 5/9 Ủy ban nhân dân TP HCM đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường rà soát lại chủ trương chung của thành phố đối với các dự án đất công được giao đất mà chưa thực hiện là rà soát lại toàn bộ. Việc này khiến công ty không thể triển khai dự án kịp tiến độ để ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019. Trong kế hoạch kinh doanh được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, dự án Cần Giờ dự kiến đóng góp doanh thu 638,4 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 450,9 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, công ty ghi nhận 114,7 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh từ 5,2 tỷ lên 70 tỷ đồng sau khi thanh lý công ty con – Công ty TNHH Phúc Thịnh Đức đã giúp công ty có lãi sau thuế 63,3 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 135 triệu đồng. Nhờ vậy mà công ty xóa sạch lỗ lũy kế và có lợi nhuận chưa phân phối 18,5 tỷ đồng tính đến 30/6.
Nếu kế hoạch lợi nhuận điều chỉnh được thông qua, FDC chỉ còn cách chỉ tiêu năm 6 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận quý III và quý IV của công ty có thể rất thấp.
Do ảnh hưởng của giá bán trên thị trường kim loại thế giới và thị trường tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng bới yếu tố khách quan, HĐQT Công ty cơ ký và khoáng sản Hà Giang (HNX: HGM) đã xin ý kiến cổ đông điều chỉnh giảm chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ từ 680 tấn xuống hơn 550 tấn, doanh thu bán hàng giảm từ 125 tỷ xuống 89 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (chưa tính trích lập dự phòng tài chính) từ 45 tỷ xuống 18 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ cổ tức cũng điều chỉnh giảm từ tối thiểu 15% xuống tối thiểu 8%.
Nửa đầu năm, doanh thu thuần công ty giảm 23% về 44 tỷ đồng do giá bán sản phẩm giảm 16% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm do lượng tiền mặt gửi giảm 42%, chi phí quản lý và chi phí khác lại tăng nhẹ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của HGM giảm đến 60% về 7,2 tỷ đồng.
Với những diễn biến không mấy thuận lợi của thị trường chứng khoán trong 9 tháng, Chứng khoán IB (IBSC, HNX: VIX) điều chỉnh mục tiêu lãi trước thuế và sau thuế năm 2019 lần lượt giảm xuống còn 150 tỷ đồng và 120 tỷ đồng, cùng giảm hơn 45% so với kế hoạch trước đó.
Nửa đầu năm, công ty mới thực hiện được 61,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thực hiện 27,8% kế hoạch cũ và 51% kế hoạch mới, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Do doanh thu từ bán các tài sản tài chính, doanh thu chênh lệch đánh giá lại tài sản tài chính và doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán trong kỳ đều giảm mạnh; ngược lại, chi phí bán tài sản tài chính và chi phí tài chính cùng tăng cao.
Mặc dù nửa đầu năm, Công ty Traphaco (HoSE: TRA) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước đạt 73 tỷ đồng nhưng HĐQT vẫn quyết định hạ chỉ tiêu kinh doanh sau khi năm 2019 đi qua gần 9 tháng.
Công ty điều chỉnh giảm doanh thu hợp nhất từ 2.160 tỷ đồng xuống 1.850 tỷ đồng, giảm 14,3% và còn tăng 3% so với thực hiện năm trước. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất cũng điều chỉnh giảm từ 205 tỷ đồng xuống 170 tỷ đồng, giảm 17% và còn tăng 9% so với năm trước.
Sau nhiều năm tăng trưởng liên tục, năm 2018 Traphaco đã ghi nhận sự sụt giảm nhẹ trong doanh thu nhưng giảm mạnh trong lợi nhuận. Nguyên nhân được ban lãnh đạo Traphaco chia sẻ tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 là có một số thay đổi lớn như thoái vốn tại một số công ty liên kết và chuyển đổi hình thức hợp đồng dịch vụ với khách hàng lớn, dẫn đến thay đổi doanh thu; lợi nhuận giảm do đầu tư nhà máy mới làm tăng chi phí tài chính, giảm lợi nhuận tài chính và khấu hao nhà máy.
Để phù hợp với tình hình thực tế, Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – HoSE: HVN) điều chỉnh giảm tất cả các chỉ tiêu sản lượng vận chuyển và luân chuyển từ 2,8% đến 6%. Công ty hạ chỉ tiêu doanh thu hợp nhất xuống 104.593 tỷ đồng, tương ứng giảm 7.136 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu. Doanh thu công ty mẹ cũng điều chỉnh giảm 4.207 tỷ về 78.313 tỷ đồng.
Dù vậy, Vietnam Airlines giữ nguyên chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất ở mức 2.680 tỷ đồng.
Kết thúc nửa đầu năm, Vietnam Airlines đã ghi nhận doanh thu hợp nhất 49.676 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về 1.381 tỷ đồng, giảm 8,6% và hoàn thành 52% kế hoạch năm.