Pháp lý vẫn là trở ngại lớn của thị trường bất động sản
Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đánh giá năm 2019, thị trường bất động sản bị sụt giảm về quy mô, về nguồn cung dự án nhà ở cũng như nguồn cung sản phẩm nhà ở, trong đó, có nhiều dự án bị "đứng hình". Đây là năm thứ hai thị trường phải đối đầu với nhiều thách thức lớn.
Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. HoREA cũng đưa dẫn chứng về việc giá nhà tăng cao, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20% (cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39%) so với năm 2018. Điều này khiến số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn, giấc mơ có nhà ở ngày càng xa vời.
Năm qua, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản. Theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.
Số liệu thống kế của Bộ Xây dựng cho thấy, tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018; trong đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 6.280 giao dịch, cũng giảm 20% so với năm 2018.
Tại TP. HCM, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2019, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra.
Tháng 3/2019, Lãnh đạo thành phố và cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã quyết định cho 124 dự án được vận hành trở lại bình thường, nhưng trên thực tế hầu hết các dự án này vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường.
Hiệp hội cũng nhận định, việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện rà soát, chấn chỉnh lại các quy trình, thủ tục về đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại là rất cần thiết, nhằm mục tiêu phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh và bền vững. Đặc biệt, đây cũng sẽ là đợt sàng lọc để loại bỏ những doanh nghiệp bất động sản bất lương, làm ăn chụp giật, thậm chí lừa đảo.
Mới đây, Tập đoàn Địa ốc Novaland đã gửi thư cầu cứu tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho triển khai dự án 30ha tại quận 2 vì đây là dự án đã đủ điều kiện bán hàng và Novaland đã bỏ vào dự án hơn 6.000 tỷ đồng.
Trong đơn cầu cứu khẩn cấp gửi tới Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Novaland chia sẻ, hơn 2 năm qua Tập đoàn này đã tự mình chèo chống làm hết những gì mình có thể, "hiện Novaland đã kiệt sức, cần Đảng và Nhà nước hỗ trợ vì đang bị mất tính thanh khoản".
Novaland cũng đưa dẫn chứng về những hệ lụy xấu không thể nào cứu vẫn được nếu cổ phiếu mất tính khoản như gây nợ xấu gần 50.000 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng; gần 250.000 khách hàng biểu tình đòi trả nhà, đòi lấy lại tiền, mất an ninh trật tự thành phố, gây kiện tụng quốc tế dây chuyền phức tạp, mất công ăn việc làm cho hàng chục ngàn gia đình; giảm niềm tin của doanh nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư,…
Điều này càng khẳng định, vấn đề pháp lý đối với các dự án bất động sản đang ảnh hưởng rất lớn đến sức thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, sự sống còn của doanh nghiệp địa ốc và tính ổn định của thị trường bất động sản trong những năm sắp tới.