Tăng lãi suất là việc của Fed, Việt Nam có đối sách riêng
Đó là khẳng định của ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN), xung quang việc Fed dừng tăng lãi suất trong tháng 6, nhưng vẫn dự kiến tăng tiếp trong thời gian tới.
Fed tăng lãi suất là việc của Fed
Tròn 1 tuần sau khi Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết định về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), quyết định tạm dừng tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp trong vòng hơn 1 năm, Chủ tịch Fed – ông Jerome Powell phát tín hiệu rằng việc dừng tăng đó chỉ là tạm nghỉ chứ không có nghĩa là Fed đã hoàn tất việc nâng lãi suất.
Chủ tịch Fed lên tiếng khẳng định còn phải tăng lãi suất để kéo lạm phát xuống. "Gần như tất cả các thành viên FOMC đều cho rằng việc tiếp tục tăng lãi suất đến cuối năm nay là phù hợp", ông Powell nói trong buổi điều trần trước Uỷ ban Dịch vụ tài chính thuộc Hạ viện Mỹ.
Câu hỏi đặt ra là, Fed dừng tăng lãi suất trong tháng 6, nhưng vẫn dự kiến tăng tiếp trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ ứng xử như thế nào?
Giải đáp, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN khẳng định "chúng ta có phương pháp riêng phù hợp tình hình".
Phó Thống đốc nêu rõ: Thực tế là Fed đã tăng bao nhiêu lần từ năm ngoái đến nay chứ không phải sắp tới mới tăng. "Fed tăng lãi suất là việc của Fed. Còn chúng ta trong thời gian qua nghiên cứu tất cả các tác động để có đối sách, phương pháp phù hợp trong điều kiện của Việt Nam. Chúng ta có điều kiện kiểm soát lạm phát tốt, và một số chỉ tiêu vĩ mô khác tích cực cho phép chúng ta giảm lãi suất điều hành", ông Tú nhấn mạnh.
Trên thực tế, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm kể từ đầu năm đến nay. Đồng thời, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đánh giá của cơ quan điều hành, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).
NHNN cho biết, việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần thứ tư khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Standard Chartered dự báo lãi suất điều hành hạ thêm 0,5% vào quý tới
Trong dự báo mới nhất của Standard Chartered, các chuyên gia tại đây dự báo, NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành vào quý tới, bất chấp việc Fed có thể sẽ nâng lãi suất đến cuối năm 2023.
Cụ thể, Standard Chartered dự báo NHNN sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn chuẩn thêm 50 điểm cơ bản xuống còn 4,0% trong quý III/2023 (bằng mức lãi suất trong những năm xảy ra đại dịch) và sẽ giữ nguyên cho đến cuối năm 2025.
Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế tại Thái Lan và Việt Nam, Standard Chartered chia sẻ: "Chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng khi áp lực giá cả trong nền kinh tế giảm bớt. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đang đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ được thực hiện vào năm ngoái, những đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo sẽ không vượt quá 50 điểm cơ bản do những lo ngại về rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính vẫn còn hiện hữu."
Bà Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc học viện Ngân hàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm khoảng 0,5 điểm % cho từ giờ đến cuối năm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng nhà quản lý tiền tệ sẽ giảm "kịch khung" 0,5 điểm % các loại lãi suất điều hành, thay vào đó việc quyết định giảm thêm bao nhiêu % sẽ căn cứ vào rất nhiều yếu tố để Ngân hàng Nhà nước điều hành một cách linh hoạt, chủ động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.