Thầy giáo 8X mở xưởng chế biến nghệ tươi "bỏ túi" 800 triệu mỗi năm

09/04/2020 06:11 GMT+7
Đó là anh Hoàng Trọng Nghĩa (SN 1987) trú tại thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Với suy nghĩ thanh niên phải xung kích đi đầu, không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm, anh đã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, đem lại thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Theo lời giới thiệu của cán bộ xã Quan Sơn, chúng tôi tìm đến xưởng sản xuất gừng, nghệ xuất khẩu của gia đình anh Hoàng Trọng Nghĩa. Trong cái nắng xuân vàng hòa với màu vàng của hàng trăm tấn gừng, nghệ bao phủ nhà xưởng rộng gần 3.000 m2, hơn 20 lao động người địa phương đang tất bật rửa gừng, xay nghệ, cho vào lò sấy… Họ là người trong xã làm việc theo mùa vụ vì việc sản xuất gừng, nghệ chỉ kéo dài khoảng 4 tháng trong năm nhưng tiền công họ nhận được thấp nhất cũng hơn 6 triệu đồng/người/tháng và phấn khởi nhất là 2 thợ lò được hưởng mức lương cao nhất là 13 triệu đồng/người/tháng.

Thầy giáo 8X mở xưởng chế biến nghệ tươi "bỏ túi" 800 triệu mỗi năm - Ảnh 1.

Anh Hoàng Trọng Nghĩa bên hệ thống máy móc chế biến tinh bột nghệ của gia đình.

Anh Nghĩa sinh ra trong gia đình thuần nông, từ nhỏ đã quen với công việc chăn nuôi, trồng trọt. Kể về cơ duyên đến với nghề, anh cho biết: “Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, tôi tham gia công tác giảng dạy ở quê hương Quan Sơn vài tháng. Khi đến nhà phụ huynh học sinh, tôi thấy gia cảnh nhiều học sinh rất khó khăn trong khi đó trong vườn, trên đồi, núi ven nhà thì đầy rẫy củ nghệ, men lá nhưng không bán được ra tiền, chỉ để đấy..”. 

Nghĩ đến công sức của người nông dân nên anh đã nảy ra ý tưởng sản xuất các sản phẩm tinh chế từ củ nghệ. Và từ đó, thầy giáo trẻ ấp ủ suy nghĩ về công thức, cách làm và hướng đi để củ nghệ đặc sản quê hương trở thành hàng hóa không chỉ bán ra thị trường trong nước mà còn xuất ra cả nước ngoài. 

Thầy giáo 8X mở xưởng chế biến nghệ tươi "bỏ túi" 800 triệu mỗi năm - Ảnh 2.

Màu vàng lấp lánh từ những củ nghệ được trồng trên trương nương của bà con nơi đây.

Sau đó anh cùng gia đình đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, máy móc để sản xuất gừng, nghệ sấy khô xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hà Lan. Bình quân mỗi năm, gia đình anh thu mua khoảng 600 – 800 tấn gừng, nghệ tươi của các gia đình trong và ngoài xã, sau chế biến xuất khẩu được khoảng 60 – 70 tấn sản phẩm khô. Năm nào cũng vậy, các chuyên gia người nước ngoài cũng đến thăm xưởng vài lần, kể cả trời mưa rét họ vẫn ra tận vườn nghệ của các hộ gia đình và kiểm tra quy trình sản xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm để xác định chất lượng của sản phẩm gừng, nghệ khô. 

Quan Sơn là vùng có nguyên liệu nghệ đỏ (nghệ nếp) có hàm lượng Nano Curcumin cao, rất tốt cho sức khỏe. Toàn xã có gần 200 tấn nghệ/năm và nhà nào cũng trồng nghệ, nhưng giá cả bán bấp bênh; có những vụ gần như bỏ đi vì bán không được. Nhưng giờ đây Quan Sơn đã thay da đổi thịt, cuộc sống người dân ấm no hơn. Trên các mảnh vườn, triền đồi, đâu đâu cũng thấy những vạt nghệ, vạt gừng xanh mướt. Anh Nghĩa đã dành hàng tháng trời đi thăm quan, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh. 

Thầy giáo 8X mở xưởng chế biến nghệ tươi "bỏ túi" 800 triệu mỗi năm - Ảnh 3.

Xưởng thu mua chế biến nghệ tươi của gia đình anh Nghĩa còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Giữa năm 2017, nhận thấy thị trường đang có nhu cầu sử dụng tinh bột nghệ nên anh tự mày mò học hỏi, tìm hiểu về cách sản xuất; cũng như mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp để đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị, thuê nhân công lao động tiến hành sản xuất làm ra sản phẩm đặc sản riêng có ở quê hương mình. 

Nhớ về quãng thời gian đầu mày mò nghiên cứu, anh Nghĩa kể: “Tôi hì hục cả ngày lẫn đêm, hỏng mất mấy cái máy xay. Có lúc 12 giờ đêm làm xong một mẻ tinh bột, nhưng vẫn lỏng lại phải đổ đi. Phải mất khoảng một tháng rưỡi mới bắt đầu có sản phẩm hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu chất lượng. Tinh bột phải vàng mịn, đều màu. Viên nghệ phải vàng, tròn, nhẵn mịn và không bị nứt. Khi ngậm vào miệng phải thoảng mùi mật ong, ngọt dịu và tan đều, không bị vón”. Ngay sau khi thử nghiệm thành công, gia đình anh Nghĩa đã đầu tư thêm máy móc để sản xuất sản phẩm tinh bột nghệ và tinh bột nghệ viên mật ong Hồng Nhung. 

Thầy giáo 8X mở xưởng chế biến nghệ tươi "bỏ túi" 800 triệu mỗi năm - Ảnh 4.

Giờ đây Quan Sơn đã thay da đổi thịt, cuộc sống người dân ấm no hơn.

Qua tìm hiểu, để sản xuất ra một viên tinh bột nghệ mật ong phải trải qua rất nhiều bước tỉ mỉ. Trước tiên là lựa chọn nguyên liệu đầu vào là: nghệ nếp đỏ và mật ong rừng nguyên chất. “Nếu nghệ loại khác sẽ không cho màu sáng đẹp và đảm bảo dinh dưỡng. Mật ong phải là mật ong rừng hoặc mật ong cây vải thiều có màu vàng tươi, sánh mịn, mùi thơm, không lẫn tạp chất thì viên nghệ mới vàng, đẹp, không bị nứt, vỡ. Sau nhiều lần thử nghiệm tôi chỉ lựa chọn hai loại nguyên liệu này từ những gia đình có uy tín”, anh cho biết.

Là người năng động, chịu khó tìm tòi và học hỏi, trải qua nhiều lần thất bại trong quá trình sản xuất nhưng không khiến anh nản chí. Những lần vấp ngã là những lần anh đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm và từ đó làm ra được sản phẩm ưng ý như hiện nay. Với quy trình sản xuất an toàn, thành phần hoàn toàn từ củ nghệ tươi, cho các công dụng như: phục hồi sức khỏe, làm đẹp da, giải độc gan… Từ năm 2017 đến nay, sản phẩm tinh bột nghệ Hồng Nhung đã tạo dựng được niềm tin, sự ưa chuộng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Mộc Trà
Cùng chuyên mục