Thị trường giá cả: Cà phê tăng mạnh, tiêu đi ngang
Giá cà phê tăng mạnh
Giá cà phê nhân xô tại các vùng Tây Nguyên phiên hôm nay (14/11) tăng mạnh tới 800 đồng lên mức 32.600 – 34.000 đồng/kg. Tại cảng TPHCM, cà phê xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% được giao dịch ở 1.536 USD/tấn (FOB), trừ lùi ở mức + 125 USD/tấn.
Tham khảo giá cà phê nhân xô tại Việt Nam (Diễn đàn của người làm cà phê)
Vùng cà phê Tây nguyên đã có nắng hỗ trợ việc thu hoạch vụ mùa, trong khi dự báo thời tiết đến cuối tháng cho biết vẫn còn một vài cơn áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa trở lại.
Giá xuất khẩu cà phê robusta tại thị trường Đông Nam Á vẫn duy trì mức chênh lệch cộng khá cao, trong khi nguồn cung hầu như đã cạn kiệt và sức kháng giá tại các nước sản xuất còn rất đáng kể, cho dù nhà nông không quan tâm bán hàng ra lúc này.
Brazil đã xuất khẩu 3,1 triệu bao cà phê xanh trong tháng 10/2019 (loại 60kg), giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng năm nay thấp hơn. Việt Nam đã xuất khẩu 87.497 tấn hay 1,46 triệu bao trong tháng 10, giảm 5,3% so với tháng 9.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, Nga tăng nhập khẩu cà phê từ Brazil, Italy, Colombia, Honduras, Indonesia, Ethiopia, Uganda, nhưng giảm nhập khẩu từ Việt Nam và Ấn Độ. Loại cà phê nhập khẩu của Nga là chủng loại cà phê chưa rang, chưa khử caffein, còn các chủng loại cà phê khác chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nhập khẩu của Nga.
Giá tiêu tiếp tục đi ngang sau 2 ngày liên tiếp
Giá tiêu tại các vùng nguyên liệu Tây Nguyên hôm nay (13/11) đi ngang trong phạm vi 39.000 – 41.500 đồng/kg. Giá thấp nhất chốt tại Đồng Nai và Gia Lai, giá cao nhất ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Diễn biến giá hạt tiêu tại một số vùng nguyên liệu
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.200 đồng/USD và bán ra là 23.240 đồng/USD, giảm mạnh 20 đồng ở giá mua, giá bán không đổi so với mức giá khảo sát ngày hôm qua.
Việt Nam là nước hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu, chiếm trên 40% sản lượng và trên 60% thị phần hạt tiêu toàn cầu. Hiện ngành tiêu Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ chậm, nguồn cung dư thừa.
Theo quy hoạch, đến năm 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng hạt tiêu của cả nước khoảng 50.000 ha, nhưng đến nay, diện tích hạt tiêu đã tăng lên 140.000 ha. Việc diện tích tăng nhanh, đặc biệt là tăng ở những vùng trồng không phù hợp dẫn đến sản xuất hạt tiêu của Việt Nam chưa thực sự bền vững.
Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU kiểm soát chặt về dư lượng hóa chất trên hạt tiêu nên xuất khẩu gặp khó khăn, bởi vậy vấn đề chất lượng vẫn là một trong những bài toán lớn mà ngành hồ tiêu cần phải quan tâm đến.
Về vấn đề khủng hoảng thừa hạt tiêu trong những năm gần đây, trả lời chất vấn đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết sản lượng hạt tiêu của Việt Nam chiếm tới 60% tổng sản lượng tiêu trên toàn thế giới.
"Để phát triển lợi thế cây tiêu, chúng ta chỉ sản xuất ở mức độ nào đó thôi. Qui hoạch chỉ 50.000 ha, trong khi diện tích thực tế diện tích gấp 3 lần qui hoạch lên 150.000 ha. Do đó, những diện tích không hiệu quả cần phải chuyển sang cây khác", Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu Bộ NN&PTNT cũng cũng cho biết thêm vừa qua Bộ cũng đã kêu gọi doanh nghiệp liên kết với nông dân để chế biến sâu sản phẩm tiêu với 10 mặt hàng khác nhau, trong đó có dầu hạt tiêu. "Chúng ta cần làm cái gì thị trường cần. Bây giờ bán hàng mới quan trọng, tổ chức sản xuất không phải là số 1", theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.