Thủ tướng ra “tối hậu thư”: Trạm BOT không chuyển sang thu phí tự động sẽ bị cho dừng hoạt động

18/07/2019 07:50 GMT+7
Thủ tướng có công điện yêu cầu, đến 31/12 tới, nếu như nhà đầu tư dự án BOT giao thông không chuyển sang hình thức điện tử tự động không dùng sẽ bị cho dừng hoạt động.

Theo Chỉ thị 06/CT-TTg, nhà đầu tư BOT phải sửa đổi hợp đồng dự án phục vụ việc chuyển sang thu phí tự động; ký kết hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng để vận hành và kết nối đồng bộ với hệ thống.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng theo đúng quy định tại Nghị quyết số 437 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 07 năm 2017 và chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 06 năm 2018; bảo đảm chậm nhất trước ngày 31.12 tới chuyển sang thu phí tự động đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc.

Buộc dừng hoạt động thu phí đối với các trạm thu phí nếu như nhà đầu tư không chuyển sang thu phí không dừng theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 06.

Bộ GTVT được giao nhiệm vụ tăng cường giám sát, kiểm tra, đảm bảo hệ thống thu phí tự động không dừng hoạt động tin cậy, không có sự cố, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn và các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư và sử dụng hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản phục vụ công tác thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng của chủ phương tiện giao thông, đảm bảo liên thông, thuận lợi, an toàn…

Trong giai đoạn 1, các trạm thu phí do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý  là 44 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã lắp đặt và vận hành theo đúng như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (riêng trạm tránh thành phố Thanh Hóa dang dừng thu do thay đổi vị trí trạm).

18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án đã vận hành thương mại được 4 trạm (Mỹ Lộc, Tân Đệ, QL10 Quán Toan - Cầu Nghìn và trạm An Sương - An Lạc); 14 trạm còn lại đang triển khai trong năm 2019.

Để tăng hiệu quả đầu tư hệ thống thu phí tự động, tăng số lượng phương tiện dán thẻ, tránh tình trạng ùn tắc giao thông, Bộ GTVT đã triển khai trước một số thuộc cửa ngõ thành phố có lưu lượng lớn như trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Đồng Nai, An Sương - An Lạc, Mỹ Lộc, QL10…

Trong giai đoạn 2, có 33 trạm bao gồm 10 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã triển khai thu phí tự động không dừng theo công nghệ cũ trước đây (OBU), hiện đang điều chỉnh lại công nghệ; 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác.

Tổng cục Đường bộ đã ký hơp đồng triển khai với Liên danh Viettel-Vietinf-VVT-ITD. Dự tính tới hết năm nay, Liên danh này sẽ triển khai thu phí tự động tại 33 trạm thu phí còn lại.

Các trạm thu phí do địa phương quản lý, đã có sự thống nhất giữa Tổng cục Đường bộ với Sở GTVT các tỉnh, thành phố có trạm thu phí. Đã có 6/14 địa phương có trạm đã tham gia sự án hoàn thành lắp đặt và vận hành 8/14 địa phương đang nghiên cứu để tự triển khai thực hiên. Sau khi hoàn thành, những trạm sẽ kết nối vào dự án để đảm bảo tính kết nối liên thông.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục