Tối đa chỉ còn 8,4%/năm, lãi suất tiếp tục giảm sau tết Nguyên Đán
Theo biểu lãi suất tiết kiệm của 30 ngân hàng trong nước đầu tháng 12, lãi suất tiền gửi kì hạn 24 tháng tại quầy dao động từ 6,1%/năm đến 8,4%/năm, giảm từ 0,2 - 0,6 điểm % tuỳ từng ngân hàng. Trong đó, Eximbank là ngân hàng có mức lãi suất niêm yết cao nhất ở kì hạn này là 8,4%/năm.
Trong khi đó, vào tháng trước, NCB là ngân hàng có mức lãi suất cao nhất đối với hình thức tiết kiệm tại quầy với mức lãi suất lên tới 8,8%/năm áp dụng kỳ hạn 36 tháng. Tuy nhiên, hiện tại nhà băng này chỉ duy trì mức lãi suất tối đa lên tới 8,3%/năm.
Cũng theo thống kê, số lượng ngân hàng có mức lãi suất huy động trên 8%/năm đã giảm xuống chỉ còn 1 nửa so với trước đây (từ 17 ngân hàng xuống còn 8 ngân hàng). Trong đó có thể kể đến các ngân hàng như ABBank (8,3%/năm); VietBank, OCB, Ngân hàng Bản Việt (8,2%/năm); Kienlongbank (8%/năm).
Đối với nhóm các "ông lớn" ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank thực hiện điều chỉnh giảm loạt lãi suất các kì hạn ngắn, mức lãi suất cao nhất tại nhóm này là 6,8%/năm.
Với hình thức gửi online, lãi suất tiền gửi thường cao hơn biểu gửi tiết kiệm tại quầy 0,1 điểm %. Mức lãi suất tiết kiệm trực tuyến cao nhất là 8,76%/năm tại SCB với kì hạn gửi 13, 15, 18 tháng và số tiền gửi từ 10 tỉ đồng trở lên, lĩnh lãi cuối kì.
Động thái điều chỉnh lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại đi sau quyết định điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vào cuối tháng 11 vừa qua.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Ngoài ra, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.
Đánh giá về xu hướng lãi suất huy động trong thời gian tới, CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, trong tháng 12, cung cầu ngoại tệ vẫn thuận lợi nhưng do lạm phát nên lãi suất thị trường 1 sẽ khó giảm.
Tuy nhiên, sang năm 2020, với dự báo lạm phát sẽ hạ nhiệt nhanh sau Tết nguyên đán, lãi suất huy động có thể tiếp tục được định hướng giảm tiếp 0,5% - 1% từ đó kéo giảm lãi suất cho vay.
Trong đó, các kì hạn dài trên 12 tháng sẽ giảm chậm hơn do các qui định về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và vẫn có sự phân hóa lãi suất giữa các nhóm NHTM lớn và nhỏ.