Triển vọng thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mờ nhạt trước thềm phiên họp OPEC+
Thị trường dầu bất ổn
Khi thời điểm diễn ra cuộc họp OPEC+ cận kề, nhiều chuyên gia phân tích vẫn chỉ ra triển vọng thông qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng để cứu vớt giá dầu là không khả quan.
Ông Nansen Saleri, Giám đốc điều hành của công ty phân tích Quantum Reservoir Impact (trụ sở Texas) nhận định trong cuộc trò chuyện với CNBC: “Bế tắc không phải một lựa chọn được kỳ vọng của bất kỳ bên liên quan nào. Vấn đề cho một thỏa thuận (cắt giảm sản lượng) chỉ là thời gian.” Ông Saleri dự đoán có thể mất vài tuần trước khi thỏa thuận được đưa ra.
Bình luận được đưa ra trong bối cảnh giá dầu đã giảm mạnh khoảng 50% kể từ đầu năm đến nay. Kết thúc phiên giao dịch 8/4, giá dầu Brent giao dịch ở mức 31,94 USD/ thùng trong khi hợp đồng dầu WTI của Mỹ giao dịch ở mức 24,18 USD/ thùng vào tối cùng ngày.
Hôm 9/4, cuộc họp trực tuyến của OPEC+ sẽ diễn ra theo lời triệu tập khẩn cấp của Saudi Arabia, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ăn mòn nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Cuộc chiến giá cả giữa Saudi Arabia và Nga gây ra mối đe dọa nguồn cung dầu tăng vọt và giá giảm mạnh cũng là nguyên nhân lớn đẩy thị trường dầu vào bất ổn.
Giá dầu hiện đang ở mức thấp nhất trong khoảng gần 2 thập kỷ. Nhiều công ty dầu đá phiến của Mỹ đã phải cắt giảm sản lượng và lao động do giá dầu giảm mạnh không đủ bù đắp chi phí sản xuất dầu đá phiến cao, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Có thời điểm, giá dầu WTI của Mỹ đã thủng ngưỡng 20 USD/ thùng.
Ông Nansen Saleri cũng nhận định: “Chiến lược cạnh tranh thị phần của Nga và Saudi Arabia khó có thể duy trì trong dài hạn; do các nền kinh tế này đều chịu ảnh hưởng lớn nếu giá dầu lao dốc”.
Nhưng có một vấn đề của thỏa thuận OPEC+, là “khi Saudi Arabia và Nga đồng thuận cắt giảm sản lượng như Tổng thống Donald Trump kêu gọi, họ cũng muốn thấy động thái cắt giảm tương tự từ Mỹ”, thậm chí từ Canada, Na Uy và Brazil, các quốc gia không nằm trong OPEC+. Vấn đề lợi ích riêng của các quốc gia và mối quan hệ chính trị phức tạp giữa các nhà sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới giờ đây sẽ quyết định tương lai của toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ.
Ở Mỹ, mức sản lượng sản xuất do các công ty tự quyết định trên nguyên tắc thị trường tự do, khiến nỗ lực cắt giảm sản lượng chung trở nên vô cùng khó khăn. Mặt khác, Tổng thống Donald Trump cũng thể hiện những động thái cho thấy ông không thúc đẩy thỏa thuận cắt giảm sản lượng như vậy tại Mỹ. Trong nội bộ ngành công nghiệp dầu khí Mỹ hiện tại, vẫn còn những ý kiến bất đồng xoay quanh việc cắt giảm hay không cắt giảm.
Exxon Mobil và Chevron đang cắt giảm 30% chi phí đầu tư tài sản cố định cũng như nhiều công ty khác tại Mỹ. Việc cắt giảm đầu tư như vậy sẽ tác động ngay lập tức đến ngành sản xuất dầu khí của Mỹ, điều mà chuyên gia Helima Croft cho rằng có thể được OPEC chấp nhận tương đương với một nỗ lực cắt giảm sản lượng.
Khó đạt thỏa thuận
Trong một báo cáo mới đây, nhà phân tích Edward Bell tại ngân hàng Emirates NBD có trụ sở tại Dubai nhận định: “Chúng tôi dự đoán xác suất thấp cho các thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu… Lập trường của những nhà sản xuất dầu mỏ lớn bao gồm Saudi Arabia và Nga hiện không có gì thay đổi. Saudi Arabia từ chối nhận gánh nặng cắt giảm sản lượng nặng nề nhất vì quốc gia này đã nhiều lần gánh vai trò này trong quá khứ. Cuộc chiến ngôn luận giữa đôi bên đang trở nên tồi tệ hơn” song song với cuộc chiến giá cả được châm ngòi.
Chris Midgely, nhà phân tích tại S & P Global Platts chỉ ra rằng một thỏa thuận nếu có vào 9/4 sẽ phải có lợi cho tất cả các bên, nhưng các nước sản xuất dầu chi phí thấp như Saudi Arabia và Nga thậm chí có rất ít động lực để cắt giảm sản lượng nếu việc cắt giảm chỉ để cứu vãn giá dầu.
Về phía Nga, nhiều nhà phân tích nhận định quốc gia đồng minh OPEC có thể cố tình trì hoãn thỏa thuận vì giá dầu giảm mạnh hiện tại đang làm tê liệt ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ. Thêm vào đó, những mâu thuẫn leo thang giữa Nga và Saudi Arabia trong cuộc chiến giá cả càng làm gia tăng bối cảnh bất ổn trên thị trường dầu mỏ. Nga trước đó cáo buộc Saudi Arabia châm ngòi cuộc chiến giá dầu trong nỗ lực tấn công ngành dầu đá phiến Mỹ, một cáo buộc mà phía Riyadh bác bỏ hoàn toàn vì “sai sự thật”.
Ngay cả khi OPEC+ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu, rất khó để thỏa thuận này cứu vãn được giá dầu lao dốc khi dịch Covid-19 tàn phá đáng kể nhu cầu dầu trên toàn thế giới, theo các chuyên gia.