Trồng loại quả “siêu thực phẩm” thu tiền triệu mỗi ngày
Siêu thực phẩm dinh dưỡng “khủng”
Vài năm trở lại đây, một số hộ dân ở Lâm Đồng đã mạnh dạn đầu tư trồng cây phúc bồn tử, là loại cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao. Những nơi trồng nhiều trong tỉnh có thể kể đến như huyện Đơn Dương, huyện Đức Trọng, TP Đà Lạt…
Phúc bồn tử (quả mâm xôi) là loại cây thuộc họ dâu, thường sinh trưởng ở những vùng có khí hậu lạnh. Do đó, phúc bồn tử rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở Lâm Đồng, giá cả tương đối ổn định, được cho là loại cây trồng có tiềm năng để phát triển kinh tế.
Quả phúc bồn tử có màu đỏ hoặc đen, vị chua ngọt, hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin C (53,7%), chất xơ, acid folic, omega-3, vitamin K, vitamin E, mangan, Mg, Cu, Zn, K…
Do chứa nhiều dưỡng chất nên phúc bồn tử rất tốt cho sức khỏe, cải thiện hệ tiêu hóa, giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật, giúp đẹp da, chống lão hóa…
Đặc biệt, chất Ellagitannin được tìm thấy trong quả phúc bồn tử được cho là có tác dụng chống lão hoá mạnh hơn cả dâu tây, gấp 3 lần trái kiwi và gấp 10 lần cà chua.
Phúc bồn tử còn chứa các chất có tác dụng giải dị ứng, tiêu viêm, thải độc, bảo vệ da chống lại các tia cực tím, làm giảm các vết thâm nám, giúp da sáng đẹp, giảm rụng tóc, bạc tóc.
Ngoài các vitamin, khoáng chất, loại quả này còn là nguồn chất xơ giúp ổn định đường huyết nên rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường, hỗ trợ giảm cân…
Với hàm lượng dinh dưỡng khủng cùng nhiều công dụng chữa bệnh, phúc bồn tử được xếp vào hàng những siêu thực phẩm, thậm chí còn được cho là nhiều lợi ích hơn cả việt quất, dâu tây, nho đen, cherry…
Một nông dân trồng phúc bồn tử ở thị trấn D’ran (huyện Đơn Dương) cho biết do đây là cây trồng mới nên diện tích chưa nhiều, kỹ thuật trồng và chăm sóc chưa được phổ biến nên không phải ai cũng nắm được.
2 năm trước anh cũng trồng thử nghiệm phúc bồn tử trên diện tích nhỏ nhưng do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây bị sâu bệnh và chết. Tuy nhiên giờ đây, nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm trên mạng, nắm được kỹ thuật, nên phúc bồn tử của anh bắt đầu cho thu hoạch.
Trồng nửa héc ta, thu 4 triệu/ngày
Chia sẻ kinh nghiệm trồng phúc bồn tử, một nông dân dịa phương cho biết cây thường được trồng trong nhà kính theo các luống. Người trồng thiết kế các trụ sắt, xen kẽ là các trụ bằng cây lồ ô và cột bằng hệ thống dây leo để làm chỗ dựa cho cây.
Các nhà kính cũng được trang bị hệ thống tưới nước phun sương tự động cho cây. Phúc bồn tử chủ yếu được trồng theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.
Phúc bồn tử rất phù hợp với khí hậu mát mẻ ở Lâm Đồng. Cây phát triển tốt, quả sai trĩu cành, giá cả ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây cà phê.
Phúc bồn tử sau khi trồng khoảng 6 tháng là cho thu hoạch. Mùa thu hoạch rộ là tầm tháng 7, tháng 8 hàng năm. Chỉ với 0,5ha trồng phúc bồn tử, trung bình, nông dân hái được khoảng 20kg quả mỗi ngày. Giá quả tươi dao động khoảng 200-250 ngàn/kg. Bình quân, nông dân bỏ túi 4 triệu đồng/ngày.
Tuy giá thành cao và ổn định nhưng thị trường tiêu thụ phúc bồn tử chưa ổn định nên nhiều hộ dân cũng chưa dám mở rộng diện tích. Trong khi đó, nhiều hộ e ngại cho rằng phúc bồn tử là loại cây trồng mới, khá khó chăm sóc, cần có kinh nghiệm, kỹ thuật và sự tỉ mỉ khi làm. Để cây cho năng suất cao, không bị sâu bệnh đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc.
Theo những người có kinh nghiệm, cây phúc bồn tử chủ yếu mắc bệnh do bị bọ cánh trắng chích lá và cuống khiến trái bị đen, phải loại bỏ. Mỗi tháng, cây cần được bón phân hữu cơ 1 lần hoặc người trồng pha thêm phân bón và chất dinh dưỡng khác cho cây khi tưới.
Cây có tuổi thọ nhiều năm nên thời gian thu hoạch quả khá lâu. Sau vài năm thu hoạch nếu thấy cây có dấu hiệu suy yếu, người trồng có thể cắt ngang gốc cách đất khoảng 10cm để cây mọc mầm. Sau khoảng 6 tháng, cây đã có thể cho thu hoạch tiếp.