Trung Quốc đang làm gì tại mỏ than lớn nhất Pakistan?

20/08/2020 12:02 GMT+7
Khi căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Úc - nhà cung cấp than chủ lực cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhiều nhà quan sát nhận định chính quyền Bắc Kinh có thể tăng cường thúc đẩy nguồn cung than thay thế từ đồng minh thân cận Pakistan.
Trung Quốc đang làm gì tại mỏ than lớn nhất Pakistan? - Ảnh 1.

Thar là mỏ than lớn nhất Pakistan và là mỏ than non lớn thứ 7 thế giới

Sau nhiều tháng trì hoãn do đại dịch Covid-19, hồi đầu tháng này, khoảng 500 kỹ sư thuộc doanh nghiệp Điện lực Thượng Hải đã đến Pakistan để làm việc tại dự án điện và mỏ than tích hợp Thar Block-I, sa mạc Tharparkar.

Mỏ than Thar bao phủ hơn 9.000km2 sa mạc tỉnh Sindh sát biên giới Pakistan - Ấn Độ. Đây là mỏ than lớn nhất Pakistan và là mỏ than non lớn thứ 7 thế giới với trữ lượng ước tính 175 tỷ tấn. Kế hoạch dài hạn của Pakistan là phát triển quy hoạch toàn bộ mỏ than thành 12 block, 4 trong số đó đang được tiến hành với sự tham gia của Trung Quốc.

Dự án điện than Thar Block-I trị giá 1,9 tỷ USD thuộc sở hữu hoàn toàn của Bắc Kinh và có vai trò thiết yếu trong hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) cũng như sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng. Nó xoay quanh một mỏ than lộ thiên có năng lực cung cấp khoảng 6,8 triệu tấn than non mỗi năm cho hai nhà máy điện tại chỗ có công suất 660 MW.

Hồi năm 2011, chính quyền Pakistan đã ủy quyền cho công ty Trung Quốc Sino-Sindh Resources, hiện là công ty con của Điện lực Thượng Hải (Shanghai Elictric) thuê mỏ than Thar Block-I trong vòng 30 năm. Điện được tạo ra hai nhà máy sẽ được cung cấp cho lưới điện quốc gia Pakistan. Trong đó, nhà máy đầu tiên dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 8/2022, nhà máy thứ hai dự kiến bắt đầu hoạt động tháng 2/2023.

Dự án điện than Thar Block-I được đẩy nhanh tiến độ đúng vào thời điểm Bắc Kinh đang cắt giảm kim ngạch nhập khẩu than từ thị trường Úc. Cuộc chiến ngôn luận đã leo thang thành chiến tranh thương mại Trung - Úc vào đầu năm nay sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19 khiến Bắc Kinh giận dữ. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc được cho là đã chỉ thị các công ty quốc doanh ngừng mua than từ Úc bất chấp việc nước này phải vật lộn để tìm kiếm nguồn cung thay thế. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới,

Một số nhà quan sát tin rằng Bắc Kinh có thể quay trở lại nhắm mục tiêu đầu tư khai thác than từ Pakistan để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước trong trường hợp quan hệ với các đối tác thương mại quan trọng (như Úc) rạn nứt.

Michael Kugelman, Phó giám đốc nghiên cứu khu vực Châu Á tại Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn của Washington, nhận định rằng việc Trung Quốc củng cố các mối quan hệ đồng minh bền chặt để theo đuổi lợi ích kinh tế và năng lượng là xu thế tự nhiên, nhất là trong bối cảnh căng thẳng leo thang với một số quốc gia.

Ông Kugelman cho hay: “Pakistan được cho là một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc. Và (Bắc Kinh) tự nhiên sẽ tìm đến Pakistan như một đối tác tiềm năng, đặc biệt là sau bề dày hợp tác các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng của Trung Quốc (ở Pakistan). Vị trí địa lý và địa chính trị mang lại cho Trung Quốc niềm tin mạnh mẽ rằng Pakistan là một nhà cung cấp than nhập khẩu tiềm năng. Đây vừa là quốc gia có đường biên giới giáp Trung Quốc, lại vừa có quan hệ đồng minh thân thiết với Trung Quốc”.

Còn nhà nghiên cứu Zahid Ahmed từ Đại học Deakin (Úc) thì nhận định nguy cơ Úc ngừng hoàn toàn xuất khẩu than sang Trung Quốc là điều khó xảy ra, nhưng không loại trừ khả năng Bắc Kinh muốn tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Pakistan.

Trái ngược với các quan điểm này, bà Monique Taylor, giảng viên chính trị thế giới tại Đại học Helsinki (Phần Lan) lại chỉ ra rằng mỏ than Thar của Pakistan thực tế có chất lượng thấp và giá trị chiến lược không quá lớn. Than non Pakistan gần như không có giá trị xuất khẩu do chi phí vận chuyển vượt quá hiệu quả kinh tế, theo bà Taylor. “Giá trị của than non là dùng để phát điện tại chỗ, ngay tại địa phương hoặc gần khu mỏ. Nó không phải loại than thay thế cho than cao cấp mà Úc đang xuất khẩu”.

Pakistan hiện đang đối diện nhu cầu bức thiết phải phát triển các nguồn năng lượng trong nước để khắc phục tình trạng thiếu điện quốc gia và phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu điện. Còn Trung Quốc cung cấp các giải pháp thủy điện, nhiệt điện, điện năng lượng mặt trời và điện gió thông qua hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC). Zahid Ahmed, nhà nghiên cứu tại Đại học Deakin (Úc) nhận định: “Việc phát triển các nhà máy năng lượng là rất quan trọng với Pakistan trong bối cảnh nước này muốn thúc đẩy công nghiệp hóa và đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng do dân số tăng nhanh”.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục