Trung Quốc: Hành trình 7 thập kỷ thành siêu cường
Ngày 1/10 tới đây, Bắc Kinh sẽ tiến hành đại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là 70 năm chuyển đổi từ quốc gia đang phát triển thành siêu cường kinh tế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Nhưng chiến tranh thương mại Mỹ Trung dai dẳng hơn một năm nay đang khiến nền kinh tế Trung Quốc đối diện những nguy cơ lớn.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey chỉ ra giá trị tăng trưởng kinh tế từ 22 nghìn tỷ USD đến 37 nghìn tỷ USD của Trung Quốc có thể sẽ bị thổi bay hoặc tăng thêm trong nền kinh tế tùy thuộc vào diễn biến thương chiến Mỹ Trung cũng như sự tham gia của nước này vào thương mại quốc tế.
Dưới đây là 4 biểu đồ cho thấy con đường vươn lên trở thành cường quốc kinh tế của quốc gia tỷ dân.
Tăng trưởng GDP ngoạn mục
Theo dữ liệu từ Ngân hàng thế giới và Tổ chức hợp tác & Phát triển kinh tế OECD, vào năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Địa vị đó được Trung Quốc giữ vững suốt 9 năm nay.
Một số nhà kinh tế dự đoán Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ, trở thành siêu cường kinh tế số 1 thế giới năm 2030. Nhưng Ngân hàng Thế giới lại chỉ ra nếu tính đến mức sống khác nhau giữa các quốc gia, hay còn gọi là lý thuyết ngang giá sức mua, thì nền kinh tế Trung Quốc đã vươn lên hàng đầu thế giới kể từ năm 2014.
Kinh tế Trung Quốc qua từng thời kỳ lãnh tụ
Dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc thập niên 70, hàng loạt cải cách đã được đưa ra năm 1978 để đưa đất nước này thoát khỏi sự cô lập kinh tế. Chính Đặng Tiểu Bình là người đưa kinh tế Trung Quốc khởi sắc trước khi tăng trưởng GDP Trung Quốc vươn lên mức kỷ lục trung bình 10% kéo dài trong nhiều thập kỷ và rồi ổn định ở khoảng 7% dưới thời Tập Cận Bình - Chủ tịch Trung Quốc đương nhiệm.
Công xưởng của thế giới
Một trong những động lực chính thúc đẩy kinh tế Trung Quốc bứt tốc là mạng lưới nhà máy khổng lồ, nguồn nhân công dồi dào tạo ra năng lực sản xuất không quốc gia nào trên thế giới bắt kịp. Tại Trung Quốc, họ tạo ra từ những chiếc smartphone tinh vi cho đến đồ chơi giá rẻ, phục vụ nhu cầu mọi đối tượng tiêu dùng trên toàn thế giới.
Năm 2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, sau đó liên tục ký kết những hiệp định thương mại đa phương và song phương. Mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng vào thương mại quốc tế đã giúp nước này củng cố địa vị nhà kinh doanh - nhà sản xuất - thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Báo cáo của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey khảo sát 186 quốc gia và vùng lãnh thổ đã chỉ ra Trung Quốc là đối tác xuất khẩu lớn nhất của 33 quốc gia và là đối tác nhập khẩu số 1 của 65 quốc gia trên thế giới.
"Ông trùm" đầu tư
Không chỉ có vị thế thống trị trong thương mại toàn cầu, Trung Quốc trong nhiều năm qua còn vươn lên như một trong những mắt xích quan trọng nhất của dòng vốn đầu tư trên thế giới. Trong giai đoạn 2015-2017, khảo sát của McKinsey đã chỉ ra Trung Quốc là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai thế giới, cũng là điểm thu hút đầu tư nước ngoài lớn thứ hai toàn cầu. Mạng lưới đầu tư của Trung Quốc trải từ Châu Phi cho đến Châu Âu, Châu Mỹ. Hồi giữa năm, Nhà Trắng còn phát đi cảnh báo sau khi có quá nhiều công ty Mỹ bị các doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại của kinh tế Trung Quốc hiện là sự bảo hộ quá mức của Bắc Kinh dành cho Doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là Doanh nghiệp Nhà nước. Đây cũng chính là một trong những xung đột cốt lõi của thương chiến Mỹ Trung. Chính quyền Donald Trump từ lâu đã kêu gọi Bắc Kinh hạn chế bảo hộ, dỡ bỏ rào cản thương mại để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư lành mạnh, công bằng. Nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ thôi bảo hộ Doanh nghiệp Nhà nước vốn đang chiếm tầm quan trọng đặc biệt trong cơ cấu kinh tế nước này.