Trung Quốc tham vọng đưa Thượng Hải thành trung tâm tài chính toàn cầu, ngang tầm New York
Khi Bắc Kinh nỗ lực thúc đẩy mục tiêu đưa Thượng Hải thành Trung tâm tài chính toàn cầu, một nghiên cứu của Đại học Renmin Trung Quốc mới đây chỉ ra Thượng Hải nên ưu tiên xây dựng trung tâm quản lý và định giá tài sản NDT toàn cầu, đồng thời tăng cường khả năng phân bổ tài chính do động lực tăng trưởng kinh tế trong tương lai chủ yếu phụ thuộc vào thị trường nội địa.
Báo cáo được công bố tại Diễn đàn tiền tệ quốc tế ở Bắc Kinh cuối tuần trước trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu bất ổn và nhu cầu bức thiết phải quốc tế hóa đồng NDT, tránh sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán đồng USD của Mỹ.
Trước đó, một số quan chức Bắc Kinh đã lên tiếng cảnh báo chính phủ nước này nên chuẩn bị cho sự tách rời của đồng NDT khỏi hệ thống thanh toán USD.
“Bằng cách tận dụng vị thế độc tôn của đồng USD trong lĩnh vực tài chính, Mỹ có thể đưa ra những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng với sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai… Lúc này, Trung Quốc nên chuẩn bị để tự bảo vệ mình khỏi sức ảnh hưởng của đồng USD, qua đó dần giảm sự phụ thuộc của đồng NDT vào phương tiện thanh toán của Mỹ”, nhận định của ông Zhou Li, cựu Phó giám đốc Ban Liên lạc Quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Mặc dù quá trình đưa vị thế đồng NDT phát triển tương xứng với tầm ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc được xác định sẽ là một hành trình dài và khó khăn, nhưng các cơ quan chính phủ nên xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế như một đòn bẩy cho sự tăng trưởng chất lượng cao và mở cửa thị trường của đất nước.
Trong tuần trước, khi Mỹ yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, Trung Quốc đã đáp trả lập tức bằng biện pháp lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô.
Đây được xem là diễn biến mới nhất trong căng thẳng Mỹ - Trung vốn đã leo thang mạnh mẽ trong những tháng gần đây. Xu hướng phân cực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm nổi bật nhu cầu biến Thượng Hải thành trung tâm tài chính quốc tế.
Liu Yuanchun, Phó Chủ tịch Đại học Renmin tại Diễn đàn tiền tệ quốc tế cho hay cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 vô hình chung cũng góp phần gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung.
“Đại dịch Covid-19 đã đưa xung đột Mỹ - Trung lên một tầm cao mới. Đó không chỉ là nguy cơ bất ổn trên thị trường tài chính, mà còn là dấu hiệu của một cuộc chiến tranh tài chính… Chính quyền Thượng Hải đang đứng trước nhu cầu cấp bách hơn trong việc thắt chặt tương tác giữa các ngành công nghiệp hiện đại với lĩnh vực tài chính trên cơ sở lưu thông kinh tế nội địa”.
Hồi tháng trước, Phó Thủ tướng Lưu Hạc cũng khẳng định Thượng Hải được định hướng là một trong những đô thị tạo động lực tăng trưởng chính cho kinh tế Trung Quốc, đảm nhận vai trò tiên phong trong việc mở cửa thị trường tài chính nước này.
Xiao Gang, Cựu chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc thì khẳng định thị trường vốn mạnh mẽ là yếu tố cần thiết để thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ cao và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế.
Cho đến cuối tháng 5/2020, hệ thống thanh toán đồng USD vẫn giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng thị phần thanh toán tiền tệ quốc tế với 40,88% các giao dịch thanh toán quốc tế. Xếp ở vị trí thứ hai là đồng EUR với 32,9%, thứ ba là Yên Nhật với 32,9%. Trong khi đó, các giao dịch thanh toán quốc tế bằng đồng NDT (Trung Quốc) hiện chỉ chiếm 1,79%, xếp ở vị trí thứ sáu, theo dữ liệu của hệ thống SWIFT.
Tỷ lệ dự trữ toàn cầu bằng đồng NDT hiện chỉ ở mức 2,02% tính đến hết quý I/2020, nhỏ tương đối so với tỷ lệ 62% của đồng USD và 20% của đồng EUR.