Truyền thông có quan trọng với startup?
Mới đây, Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo: “Chiến lược truyền thông cho startup: Định vị thương hiệu – Phát triển thị trường” với sự tham dự của hơn 150 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, người làm truyền thông và đại diện từ gần nhiều cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên cả nước.
Tại Hội thảo, bà Diệp Quế Anh - Giám đốc Truyền thông TikTok Việt Nam, Philippines và những thị trường mới cho rằng, thực tế, có rất nhiều câu chuyện trải nghiệm khi một startup ra đời, do đó nếu không định hình truyền thông từ những ngày đầu thì startup đó sẽ không thể để định hướng những gì mình chia sẻ.
Theo bà Quế Anh, cách đây 2 năm, khi nhắc về TikTok mọi người thường nghĩ nó là một ứng dụng "trẻ trâu". Tuy nhiên, nếu người dùng xem nhiều loại nội dung thì TikTok sẽ thay đổi theo hướng đa dạng nội dung. Việc trải nghiệm của người dùng chính là PR.
"Điểm sáng của TikTok là cộng đồng, đối với TikTok đây không chỉ là nền tảng chia sẻ nội dung mà còn mang lại sự giải trí và có tính giáo dục cho mọi người", bà Quế Anh nói.
Giám đốc Truyền thông TikTok Việt Nam, Philippines và những thị trường mới cho hay, thay vì để người ta nói về mình thì mình phải ra ngoài để nói về bản thân. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải hiểu được “mission” (nhiệm vụ) của startup mà chúng ta tham gia và phải truyền thông nó ra bên ngoài bằng cách này hay cách khác.
"Startup có cần làm PR hay không? Nếu như có cơ hội startup nên nghĩ đến một phần truyền thông. Bởi khi một startup đã thành lập thì phải tạo cơ hội cho thế giới biết về sản phẩm của mình và giá trị của sản phẩm đó", bà Quế Anh nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, ông Đỗ Xuân Thắng - Giám đốc khu vực miền Bắc, Cloud Ace - Đối tác cao cấp Google cho hay, Việt Nam đang là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á mảng Google Cloud, với tốc độ chuyển đổi số và khả năng nắm bắt của người Việt Nam đang rất tốt.
Ông Thắng cho biết, hiện Cloud Ace đang có nhiều ứng dụng có sẵn để hỗ trợ truyền thông trong thời điểm này, giúp những người làm công nghệ như startup ở Việt Nam khai thác tối ưu.
Cũng trong chương trình, ban tổ chức đã công bố 6 gói hỗ trợ truyền thông cho các startup từ các đơn vị truyền thông gồm Báo Công thương, Lê Minh Creative, Truyền hình Nhân Dân & Maymedia, Đài truyền hình VTV8 & Cao đẳng Công thương Miền Trung, VTC10 và Cloud Ace Việt Nam.
Chương trình hỗ trợ của Báo Công Thương cho các startup bao gồm tổ chức sự kiện kết nối, quảng bá sản phẩm. Trong khi đó, Lê Minh Creative hỗ trợ startup xây dựng nội dung trên nền tảng TikTok.
Liên danh Truyền hình Nhân Dân & Maymedia đưa ra gói hỗ trợ gồm 12 talkshow trên VOV1, đồng thời làm truyền thông trên mạng xã hội với KPI 750.000 lượt xem và 700.000 lượt tương tác và 200.000 lượt tiếp cận. Gói hỗ trợ của liên doanh có giá trị 2,8 tỷ đồng.
Cao đẳng Công Thương miền Trung và VTV8 tuyên bố hỗ trợ 40 startup với chương trình hỗ trợ trên các phương tiện truyền thông, đảm bảo 40 triệu lượt tiếp cận và 1 triệu lượt tương tác.
VTC 10 - Netviet sẽ giới thiệu các startup trên các chuyên mục “Việt Nam Góc nhìn của bạn”, “NetViet Story”, “Đường đến thành công”, “Kết nối thương hiệu Việt”, “Việt Nam hội nhập”.
Trong khi đó, Cloud Ace Việt Nam, đối tác của Google Premier hỗ trợ startup 8 giờ kĩ thuật, trong quá trình sử dụng Google Cloud Patform (GCP), 500 USD trả phí dịch vụ sử dụng GCP, 1 buổi đào tạo 2 tiếng sử dụng GCP và 50 credit để thực hành trên Qwiklabs, nền tảng mô tả GCP.
Trong những năm vừa qua, Đề án 844 đã dành nguồn lực để thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên 5 trụ cột chính: Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách; Đào tạo nâng cao năng lực cho các chủ thể của hệ sinh thái; Hỗ trợ các hoạt động ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh và cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hình thành và phát triển các Mạng lưới khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy liên kết quốc tế.
Theo đó, phát triển công tác truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ có vai trò bổ trợ cho các hoạt động nói trên mà còn nhằm thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp, cũng như quảng bá sản phẩm, mô hình kinh doanh cho startup để phát triển thị trường và thu hút đầu tư. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, đã có 16 đơn vị có năng lực và uy tín tham gia thực hiện các nhiệm vụ truyền thông thuộc Đề án 844, hỗ trợ được hơn 200 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên toàn quốc.
Tuy nhiên, một số vấn đề trong công tác truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời gian vừa qua vẫn xuất hiện do còn khoảng cách giữa những người làm truyền thông với đội ngũ nhà sáng lập, điều hành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các thông tin về startup tuy có tính thời sự nhưng chưa có nội dung sâu để cộng đồng có thể nắm bắt và đồng hành với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thậm chí là vượt qua khó khăn cùng với doanh nghiệp. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần truyền thông hỗ trợ nhưng lại chưa biết cách làm việc này hiệu quả.
Bên cạnh đó, để có thể đạt khả năng tăng trưởng như dự kiến, nhất là phát triển ra toàn cầu, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến xây dựng thương hiệu với công chúng cũng như với các đối tác, nhà đầu tư, ... nhất là trong bối cảnh biến động của xã hội vừa qua.