Vì sao người Úc ngày càng mất niềm tin vào Trung Quốc
Đại dịch Covid-19 đã tàn phá các hãng hàng không trên toàn cầu, với thiệt hại tổng cộng ước tính lên tới 174 tỷ USD vào cuối năm nay. Trong bối cảnh đó, hãng hàng không hàng đầu nước Úc Qantas trở thành một trong số hiếm hoi vẫn đảm bảo được ổn định tài chính.
Thành công của Úc trong việc kiểm soát sự lây lan virus SARS-CoV-2 đã tạo nên một thiên đường du lịch hàng không nội địa ở quốc gia này. Tận dụng điều đó, CEO Qantas Alan Joyce đã khai thác tối đa các chuyến bay nội địa, điều phối mở rộng mạng lưới hàng không nội địa của Qantas, thêm 45 tuyến bay thẳng trong nước trong nỗ lực cạnh tranh với hãng hàng không đối thủ Virgin Australia.
Cho đến nay, cổ phiếu Qantas đã tăng mạnh 120% từ mức thấp nhất hồi tháng 3/2020. Qua đó đưa giá trị thị trường của hãng tăng thêm 8,9 tỷ AUD. Công ty phân tích Flying Kangaroo nhận định Qantas đang đi đúng hướng để đưa năm tài chính 6/2020-6/2021 kết thúc với lợi nhuận dương bất chấp đại dịch.
Nhưng trong nhiều lĩnh vực khác đặc biệt là thương mại, Úc không may mắn như vậy.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Úc vốn đã trở nên rạn nứt khi chính phủ Úc cấm Huawei sử dụng tham gia cung cấp thiết bị linh kiện cho mạng 5G vào năm 2018. Sau đó, vào đầu năm 2020, căng thẳng tiếp tục leo thang khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Úc từ lâu đã được biết đến như đồng minh thân thiết của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã đưa ra hàng loạt động thái đáp trả bao gồm áp thuế bán phá giá yến mạch Úc lên tới 80,5%, đồng thời cấm nhập khẩu thịt bò từ hai công ty chế biến thịt hàng đầu đất nước. Tiếp sau đó, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc như tôm hùm, gỗ, than… cũng gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường Trung Quốc do các biện pháp hạn chế thương mại từ Bắc Kinh.
Năm ngoái, Úc đã đưa ra kháng nghị chính thức lên WTO nhằm xem xét lại quyết định của Trung Quốc về việc áp đặt mức thuế nhập khẩu cao đối với lúa mạch Úc.
Hôm 19/6 vừa qua, Canberra đã chính thức nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO về việc Bắc Kinh áp thuế chống bán phá giá với rượu vang xuất khẩu, qua đó làm leo thang bất đồng thương mại với Úc.
Tranh chấp thương mại với Trung Quốc đã tác động rõ rệt đến niềm tin kinh doanh của người Úc với Trung Quốc, vốn đã giảm xuống mức kỷ lục từ trước đó. Kết quả cuộc thăm dò thường niên mà Viện Lowy công bố trong tuần này cho thấy ngày càng nhiều người Úc coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia hơn là đối tác kinh tế quan trọng. Chỉ 10% người Úc được hỏi cho biết họ tin tưởng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra những động thái đúng đắn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, giảm mạnh từ mức 22% vào năm ngoái.
Úc hiện đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhóm G7 về việc củng cố lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh khi Trung Quốc không ngừng bành trướng tầm ảnh hưởng ngày càng tăng trên toàn cầu sau Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tháng qua tại Cornwall, Vương quốc Anh.
Dù vậy, Bộ trưởng Thương mại Úc Tehan hồi tháng 5 cho hay ông đã gửi thông điệp cho người đồng cấp Trung Quốc, bày tỏ kỳ vọng cải thiện mối quan hệ song phương theo hướng xây dựng. Song song với đó, Úc đang tìm kiếm những thị trường mới cho sản phẩm rượu vang. Hiện Úc đang đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Anh và EU.