Việt Nam đang hút các "ông lớn" ngành bán dẫn toàn cầu ra sao?

26/08/2024 14:42 GMT+7
Không phải ngẫu nhiên mà các công ty bán dẫn nước ngoài mở rộng hoạt động R&D tại Việt Nam.

Tờ Nikkei mới đây có đăng tải bài viết với nội dung, rằng Việt Nam đã biến thành "thỏi nam châm" thu hút các công ty bán dẫn toàn cầu nhờ nhân lực tài năng, chi phí hợp lý.

Nikkei nhận xét, sức nóng của ngành bán dẫn kết hợp nhiều yếu tố như: Nhu cầu kỹ sư chip tăng vọt trong cuộc bùng nổ AI; Chuyển dịch chuỗi cung ứng thúc đẩy nhu cầu nhân sự địa phương; Khan hiếm lao động nghiêm trọng tại các nền kinh tế chip truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ.

Việt Nam đang hút các "ông lớn" ngành bán dẫn ra sao? - Ảnh 1.

Một số nhân sự của Marvell làm việc tại văn phòng ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP HCM ngày 17/5. Ảnh: Viễn Thông.

Trong năm 2024, nhà cung cấp dịch vụ thiết kế chip AI hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) - Alchip Technologies, quyết định mở rộng đội ngũ R&D tại Việt Nam, nơi họ dự kiến mở văn phòng đầu tiên năm nay. Theo dự kiến, Alchip sẽ tuyển dụng 100 kỹ sư, địa điểm văn phòng có thể ở Hà Nội hoặc TP.HCM.

Trước đó, năm 2023, Công ty Infineon Technologies AG của Đức đã thông báo việc mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam, đồng thời thành lập một đội ngũ phát triển chip điện tử làm việc tại thủ đô Hà Nội. Đây là văn phòng thứ 60 của Infineon trên toàn cầu.

Cũng đến Việt Nam để tìm kiếm các kỹ sư trẻ là GUC và Faraday Technology, nhà cung cấp dịch vụ thiết kế chip liên kết cho TSMC và UMC.

Các công ty Hàn Quốc cũng chuyển dịch sang Việt Nam. Hãng bán dẫn BOS Semiconductors đến TP.HCM năm 2022 để thành lập một nhóm hỗ trợ. Trong quá trình công tác giữa hai nước, so sánh hai đội ngũ nhân sự, chất lượng của các kỹ sư Việt Nam đã thuyết phục công ty nâng cấp nhóm.

ADTechnology, công ty đồng hương của BOS, đang vận hành hai trung tâm nghiên cứu tại TP. Hồ Chí Minh.

Marvell - nhà thiết kế chip tỷ USD của Mỹ, cũng tăng tốc mở rộng hoạt động ở Việt Nam để sớm vào top 3 trung tâm lớn nhất tập đoàn.

Theo đó, đầu năm nay, Marvell mở văn phòng mới tại Đà Nẵng với nhân sự tầm 50 người. Họ sẽ lập văn phòng thứ hai ở TP HCM ngay năm nay. Văn phòng mới này, cũng như các trung tâm kỹ thuật khác của Marvell tại Việt Nam sẽ tập trung vào các công nghệ vi mạch mới như kết nối quang, lưu trữ, công nghệ bán dẫn tín hiệu tương tự và tín hiệu hỗn hợp (mixed signal).

Marvell là một trong số ít các nhà thiết kế chip nổi bật của Mỹ cùng với Nvidia trong thời đại AI lên ngôi. Sản phẩm của 2 gã khổng lồ này mang tính bổ trợ nhau.

Chip của Nvidia là chip thuần túy với kiến trúc xử lý GPU và chip của Marvell giúp kết nối các GPU với nhau. Năm ngoái, hãng thiết kế chip này đạt doanh thu 5,5 tỷ USD.

Marvell đến Việt Nam đã được 10 năm với ban đầu chỉ chục kỹ sư. Họ phát triển mạnh 2 năm nay, khi AI thành cơn sốt. Hiện họ đạt quy mô 400 nhân sự tại Việt Nam, tăng hơn 30% chỉ sau 8 tháng, với 97% là kỹ sư.

So với Đài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc, năng suất và mức lương của kỹ sư tại Việt Nam cũng là một yếu tố hấp dẫn hơn nhờ hiệu quả về mặt chi phí đối với các công ty bán dẫn thế giới.

Nguyễn Thịnh
Cùng chuyên mục