Xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, hướng đến sự bền vững
Phát biểu tại hội thảo "Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải", PGS.TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng ưu tiên. Cụ thể, tổng phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014 là 59,91 triệu tấn CO2, năm 2022 là 101,89 triệu tấn CO2.
Trong đó, sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng. Tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê, có 50 cơ sở sản xuất xi măng đã được ghi nhận là đơn vị đầu tiên phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính và đến năm 2024 bắt đầu xây dựng, triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Để giảm phát thải khí nhà kính trong ngành Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần có các giải pháp ứng dụng khao học công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất để xanh hóa, góp phần xanh hóa nền kinh tế và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính; đồng thời, nghiên cứu xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, dự kiến ban hành trong năm 2024.
Cũng tại hội thảo, ông Tào Khánh Hưng - Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết, trước những thách thức của biến đổi khí hậu về mọi mặt của nền kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu, mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC vào cuối thế kỷ này.
Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được cần rất nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, cần sự chung tay cùng thực hiện của cả nền kinh tế.
"Bên cạnh các nhóm giải pháp kỹ thuật cụ thể được đưa ra thì Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình. Theo đó, các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023", ông Hưng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững của mình.
Để điều kiện chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ròng bằng "0", TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, cần chuyển đổi sang nền kinh tế PTR0 (Net Zero Tracker) đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách, công nghệ và hành vi. Cùng với đó, phải có những nỗ lực to lớn để tăng tốc cơ cấu lại kinh tế trong lĩnh vực năng lượng và trong khu vực DN và phải đầu tư xứng đáng cho đổi mới sáng tạo.
"Mục tiêu PTR0 đòi hỏi đầu tư quy mô lớn cả ở khu vực công lẫn khu vực tư (doanh nghiệp) cho công nghệ. Trong quá trình chuyển đổi, có thể dẫn tới hàng loạt thất bại thị trường, do đó cần có cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp. Ngoài ra, phải có những hoạt động truyền thông, các công cụ tài chính và quy định, tiêu chuẩn để điều chỉnh hành vi của cá nhân và tổ chức trong các hoạt động kinh tế và xã hội liên quan đến phát thải các-bon. Bên cạnh đó, phải hợp tác quốc tế để thu hút vốn xanh, công nghệ xanh và tiếp cận thị trường cho sản phẩm xanh", ông Thiên nhận định.