Ấn Độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm nay?
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn Độ trong năm tài chính 2021 (4/2021-4/2022) dự kiến đạt 12,6%. Như vậy, Ấn Độ có khả năng lấy lại vị thế nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, vượt mặt Trung Quốc. OECD dự báo Trung Quốc có khả năng ghi nhận tăng trưởng 7,8% trong năm nay, vượt mức mục tiêu hơn 6% mà Bắc Kinh đặt ra hồi tháng trước.
Kinh tế Ấn Độ đã thoát khỏi suy thoái từ quý IV/2020 sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 0,4%. Tính chung cả năm 2020, GDP Ấn Độ tăng trưởng -7% khi nước này trở thành một trong ba ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới.
Bên cạnh những dự báo về Ấn Độ, OECD cũng nâng cấp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi triển vọng phục hồi kinh tế cải thiện rõ rệt trong những tháng gần đây nhờ tốc độ triển khai tiêm chủng và hàng loạt gói kích thích khổng lồ của các chính phủ. Cũng theo OECD, những biện pháp hạn chế kiểm dịch bổ sung gần đây ở nhiều quốc gia khi làn sóng dịch bệnh thứ 3 bùng phát có khả năng không làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu nghiêm trọng như những lần hạn chế trước đó.
OECD hiện kỳ vọng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,6% vào năm 2021, cải thiện hơn một điểm phần trăm so với ước tính công bố hồi tháng 12.
Kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng 6,5% trong năm nay, theo dự báo mới nhất của OECD, tức tăng 3 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 12. Nguyên nhân được cho là những tác động từ gói kích thích kinh tế 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.
Ở châu Âu ngoại trừ Vương quốc Anh, nơi việc triển khai tiêm chủng vắc xin diễn ra chậm hơn các quốc gia tiên tiến còn lại, OECD dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ chậm rãi. 19 quốc gia sử dụng đồng EUR dự kiến tăng trưởng 3,9%. Anh, quốc gia đã ly khai EU, dự kiến tăng trưởng 5,1%.
Tuy nhiên, OECD lưu ý thêm rằng triển vọng kinh tế vẫn không chắc chắn do diễn biến phức tạp của đại dịch. Tốc độ tiêm chủng khác nhau giữa các quốc gia trên thế giới khiến nguy cơ xuất hiện biến chủng mới kháng vắc xin vẫn còn tồn tại.
Có một cuộc tranh luận về nguy cơ lạm phát khi kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch. Các nhà đầu tư ngày càng quan ngại đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế có thể kích hoạt lạm phát tăng đột biến vào cuối năm nay, buộc các ngân hàng Trung Ương tăng lãi suất sớm hơn dự kiến hoặc rút lại các hỗ trợ khác.
OECD thừa nhận áp lực lạm phát đang tăng trên một số khía cạnh. “Nhu cầu tiêu dùng phục hồi nhanh hơn dự kiến, đặc biệt từ phía Trung Quốc, cùng sự thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá lương thực và kim loại lên đáng kể, giá dầu cũng đã phục hồi trở lại mức trung bình năm 2019”. Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo nền kinh tế và thị trường việc làm nhìn chung vẫn còn yếu, các ngân hàng Trung Ương nên duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy đà phục hồi ngay cả khi lạm phát vượt mức mục tiêu.