Chưa có tiền lệ: Ngân hàng có thể “bốc hơi” đến 20.000 tỷ đồng lợi nhuận nửa cuối năm?

26/07/2021 11:03 GMT+7
Hiệp hội Ngân hàng ước tính với mức giảm lãi suất một đến hai điểm phần trăm đối với khoản vay hiện hữu và vay mới, các ngân hàng sẽ "bốc hơi" 20.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Lợi nhuận cao, ngân hàng "ăn nên làm ra" giữa mùa dịch

Theo con số thống kê của Dân Việt dựa trên báo cáo tài chính (BCTC) 6 tháng 2021, tổng lợi nhuận trước thuế của 14 ngân hàng đạt trên 41.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước dù nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi vì hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19.

Điều đáng nói, trong số 14 ngân hàng đã công bố BCTC được thống kê, 100% tăng trưởng dương về lợi nhuận trong nửa đầu năm nay. Bình quân, mỗi ngày 14 ngân hàng này lãi trước thuế 230 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ làm ra 141 tỷ lợi nhuận/ngày.

Trong đó, Kienlongbank là nhà băng gây bất ngờ nhất khi ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất lên tới 682% so với cùng kỳ năm trước.

Chưa từng có tiền lệ: Ngân hàng “ăn nên làm ra” giữa dịch Covid-19, 20.000 tỷ lợi nhuận sẽ “bốc hơi” nửa cuối năm? - Ảnh 1.

100% ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính tăng trưởng dương về lợi nhuận nửa đầu năm.

Đáng chú ý, nguồn thu chính của các ngân hàng vẫn đến từ thu nhập lãi thuần. Theo đó, tổng thu nhập lãi thuần thống kê được tới thời điểm hiện tại đạt trên 63.700 tỷ đồng, gấp 1,34 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 13/14 ngân hàng được thống kê có thu nhập lãi thuần tăng trưởng bằng lần (từ 1,08 lần đến 2,2 lần). 

Duy nhất Saigonbank có thu nhập lãi thuần giảm so với cùng kỳ, chỉ mang về cho ngân hàng 308 tỷ đồng.

Ngoài các ngân hàng được thống kê đã công bố BCTC, lợi nhuận của các ông lớn" quốc doanh cũng được hé lộ với mức tăng trưởng cao kỷ lục.

Đơn cử như tại VietinBank, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ngân hàng ước đạt 13.000 tỷ đồng, ước tăng 75% so với cùng kỳ. 

Hay như "ông lớn" tỷ USD Vietcombank ước lãi 14.560 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và bằng 57,8% kế hoạch cả năm. 

Lợi nhuận trước thuế trước trích lập dự phòng rủi ro đạt 19.561 tỷ đồng.

Đề cập tới việc liệu ngân hàng lãi lớn có phản cảm trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay hay không, ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nên nhìn nhận ngân hàng hoạt động tốt là điểm tích cực.

Bởi lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế mà khủng hoảng xảy ra, nhưng ổn định vĩ mô và sức khỏe ngành tài chính ngân hàng vẫn được giữ vững. Các tổ chức tài chính cũng đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.

"Những lần trước yếu kém đến từ nội bộ ngân hàng dẫn đến khủng hoảng hay do tác động của nước ngoài, ảnh hưởng của kinh tế dẫn đến đổ vỡ ngành tài chính, bất ổn vĩ mô trong nước. Nhưng hiện nay, ngành tài chính vẫn đứng vững", ông Thành nhấn mạnh và cho biết thêm, kết quả này có được là nhờ 5 năm qua chúng ta đảm bảo tăng trưởng tốt và tránh lịch sử lặp lại là tăng trưởng nóng, không tăng trưởng tín dụng quá đà, lạm phát được kiểm soát. Các ngân hàng đổi mới về quản trị điều hành, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.

"Ghìm cương" lợi nhuận bằng lãi suất, 20.000 tỷ đồng sẽ "bốc hơi"?

Trong khi các ngân hàng báo lãi lớn, mỗi ngày vẫn có tới gần 400 doanh nghiệp rời khỏi thị trường vì khó khăn kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ đầu năm đến nay.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất cần thêm "máy trợ thở", đó là các chính sách được thực hiện hiệu quả và cụ thể hơn, đến đúng nhu cầu của doanh nghiệp.

Chưa từng có tiền lệ: Ngân hàng “ăn nên làm ra” giữa dịch Covid-19, 20.000 tỷ lợi nhuận sẽ “bốc hơi” nửa cuối năm? - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất cần thêm "máy trợ thở", trong đó có giảm lãi suất từ phía ngân hàng. (Ảnh: LT)

Trên thực tế, nhiều Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn được ngân hàng san sẻ khó khăn bằng việc hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp.

Mới đây nhất, mong muốn của doanh nghiệp đã được các ngân hàng hiện thực hóa khi đồng thuận giảm từ 0,5-3% lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Chưa từng có tiền lệ: Ngân hàng “ăn nên làm ra” giữa dịch Covid-19, 20.000 tỷ lợi nhuận sẽ “bốc hơi” nửa cuối năm? - Ảnh 4.

Giảm lãi suất cho vay, ngân hàng hy sinh hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận. (Ảnh: LT)

Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, lũy kế đến tháng 5/2021 đã có khoảng 9,65 triệu tỷ đồng được cung ứng ra nền kinh tế.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực tính sơ lược rằng, nếu giảm lãi suất cho vay 1% đối với dư nợ hiện hữu (hiện khoảng 9,6 triệu tỷ đồng) thì ước tính lợi nhuận ngân hàng có thể bị giảm khoảng 45.000 tỷ đồng (tức là thời gian giảm lãi suất áp dụng từ nay đến hết năm 2021).

"Lợi nhuận cả năm năm 2020 của toàn ngành ngân hàng là khoảng 185.000 tỷ đồng. Nếu phải giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu thì con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng là khoảng 90.000 tỷ đồng, tương đương với 1 nửa lợi nhuận của toàn ngành năm ngoái. Tuy nhiên, trong 6 tháng từ nay đến cuối năm 2021, ngân hàng sẽ bị giảm lợi nhuận, tương đương với mức giảm khoảng 45.000 tỷ đồng", TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Theo dự tính của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE), nếu lập tức giảm 100 điểm cơ bản lãi suất cho vay đối với 100% khoản cho vay thì mức giảm thu nhập từ lãi (trong 5 tháng còn lại) sẽ dao động trong khoảng 5-10% thu nhập lãi thuần ước tính cả năm nay của các ngân hàng.

Như vậy, dự kiến mức cắt giảm lợi nhuận của ngành ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt Covid-19 có thể tăng thêm trong thời gian tới.

Còn theo thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng cho biết, sau cuộc họp đồng thuận ngày 12/7, các ngân hàng đã nhập cuộc giảm lãi suất cho vay với mức giảm một đến hai điểm phần trăm đối với khoản vay hiện hữu và vay mới. Với mức giảm này, các ngân hàng sẽ "bốc hơi" 20.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Thống kê từ thị trường cho thấy, riêng trong nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, Agribank quyết định giảm thêm 5.500 tỷ đồng lãi suất tiền vay đối với khách hàng hiện hữu.

Tính chung cả năm nay, tổn thất thu nhập từ lãi là 6.500 tỷ đồng, cộng với 3.500 tỷ đồng miễn phí dịch vụ, ngân hàng này "bốc hơi" 10.000 tỷ đồng thu nhập.

Chưa từng có tiền lệ: Ngân hàng “ăn nên làm ra” giữa dịch Covid-19, 20.000 tỷ lợi nhuận sẽ “bốc hơi” nửa cuối năm? - Ảnh 6.

Các ngân hàng đồng thuận giảm từ 0,5-3% lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: VCB)

Tại Vietcombank, sau cuộc họp đồng thuận, hội đồng quản trị và ban điều hành quyết định giảm 4.000 tỷ đồng; trong khi 6 tháng đầu năm đã giảm 2.100 tỷ đồng, cộng cả năm ngân hàng giảm 6.100 tỷ đồng thu nhập từ lãi.

Hay tại VietinBank, mức giảm thu nhập cộng phí và lãi trong cả năm nay ước hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó nửa đầu năm là 4.000 tỷ đồng, nửa cuối năm 2.000 tỷ đồng.

BIDV giảm cả năm 6.100 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó nửa đầu năm giảm 2.500 tỷ đồng và sau đồng thuận hôm 12/7 ngân hàng quyết định giảm thêm 3.600 tỷ đồng, bao gồm 2.000 tỷ đồng với dư nợ hiện hữu và 1.600 tỷ đồng với dư nợ cho vay mới.

H.Anh
Cùng chuyên mục