Có phải Trung Quốc đang "tô hồng" tăng trưởng GDP quý II?
Trung Quốc đã vẽ nên bức tranh màu hồng về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với mức tăng trưởng 3,2% trong quý II vừa qua, vượt xa dự báo của các nhà phân tích.
Dù nền kinh tế Trung Quốc thực sự có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ từ sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, sự chênh lệch giữa dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc và các cơ quan chính phủ khác công bố đã thổi bùng lên những nghi ngờ về tính chính xác của mức tăng trưởng GDP đầy bất ngờ này.
Derek Scissors, một học giả thường trú tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington chỉ ra rằng không có sự nhất quán giữa báo cáo tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc và các cuộc khảo sát về hoạt động doanh nghiệp tại nước này. Một minh chứng cụ thể, trong khi cơ quan thống kê của Trung Quốc tuyên bố mới chỉ có 67,4% doanh nghiệp công nghiệp đã khôi phục 80% công suất hoạt động bình thường tính đến ngày 27/5, thì dữ liệu kinh tế mới đây lại cho thấy sản lượng công nghiệp tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoặc một ví dụ khác, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết khoảng 10% doanh nghiệp dịch vụ nước này vẫn đang đóng cửa tính đến cuối tháng 6, nhưng dữ liệu kinh tế mới công bố lại cho thấy sự tăng trưởng sản lượng dịch vụ 1,9% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Derek Scissors nhận định: “Rất khó để tạo nên sự tăng trưởng sản lượng so với năm ngoái khi mà một phần các doanh nghiệp đang đóng cửa ngừng hoạt động”. Vị học giả nghi ngờ rằng Bắc Kinh công bố con số 3,2% như một mức tăng trưởng GDP cần thiết để Trung Quốc đạt được mục tiêu kinh tế trong năm.
Hôm 16/7, ông Liu Aihua, phát ngôn viên của Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang trên đà đạt đến mục tiêu xây dựng xã hội giàu mạnh toàn diện, bởi nước này sắp hoàn thành kế hoạch tăng gấp đôi quy mô GDP trong giai đoạn 2010-2020. Dù Trung Quốc không đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP cụ thể cho năm 2020, rõ ràng chính quyền ông Tập Cận Bình vẫn tham vọng vươn tới một mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nhất định cho năm kết thúc thập kỷ 2020. Chính phủ Bắc Kinh đang kỳ vọng sẽ đạt tới sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và kiểm soát đại dịch Covid-19 trong bối cảnh các quốc gia khác trên toàn cầu vật lộn để mở cửa trở lại nền kinh tế.
Không riêng Derek Scissors, nhiều chuyên gia khác trên thế giới cũng tỏ ra không bị thuyết phục bởi dữ liệu GDP gây bất ngờ mà Trung Quốc vừa công bố. Trey McArver, chuyên viên tại công ty tư vấn Trivium China (Bắc Kinh) nhận định số liệu thống kê GDP chính thức của Trung Quốc “là quá tốt” so với thực tế.
“Các công cụ theo dõi nền kinh tế của chúng tôi đều cho thấy kết quả là hầu hết doanh nghiệp tại Trung Quốc đang chưa thể hoạt động ở công suất tối đa như thông thường, đặc biệt là các ngành dịch vụ. Do đó, rất khó để có được kết quả kinh tế tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái”.
Ngay trong những dữ liệu được chính phủ Trung Quốc công bố cũng cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế. Ví dụ, lượng việc làm mới được tạo ra tại các đô thị đã giảm 1,7 triệu so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập bình quân quốc gia trên đầu người giảm bình quân 1,3%. Rất nhiều dữ liệu đều đang chỉ ra sự phục hồi kinh tế yếu hơn những gì con số GDP cho thấy.
Các cuộc khảo sát thực địa cũng chỉ ra kết quả tương tự, rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trong trạng thái tệ hơn nhiều so với con số tăng trưởng GDP 3,2%. Trong lĩnh vực thương mại, nhiều nhà xuất khẩu của Trung Quốc đang vật lộn để tồn tại khi lượng đơn hàng quốc tế giảm mạnh do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh. Các dịch vụ ăn uống, du lịch, giải trí cũng chứng kiến doanh số giảm mạnh. Hệ thống rạp chiếu phim tại Trung Quốc gần như đóng cửa suốt nửa đầu năm. Du lịch nội địa chỉ mới bắt đầu phục hồi.
Yan Chengpeng, một quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia - cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu tại Bắc Kinh cũng lên tiếng thừa nhận rằng một số ngành kinh tế chưa phục hồi mạnh mẽ khi được hỏi về sự chênh lệch giữa dữ liệu GDP lạc quan và thực tế khắc nghiệt. “Một số ngành công nghiệp hiện chưa hoàn toàn trở lại trạng thái bình thường và nhiều doanh nghiệp vẫn đang đối diện với vô vàn khó khăn” - ông Yan cho hay.