Cước vận tải hàng rời lao dốc 90% từ đỉnh

06/02/2022 08:02 GMT+7
Cước vận tải ngay bằng tàu capesize giảm xuống 5.826 USD/ngày vào cuối tháng 1, thấp nhất 20 tháng.

Cước vận tải với các tàu chở hàng rời giảm hơn 90% so với đỉnh được ghi nhận vào năm ngoái trong bối cảnh nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc giảm. 

Cụ thể, cước vận tải ngay bằng tàu capesize (loại tàu chở hàng rời, có trọng tải dao động quanh 150.000 tấn) giảm xuống 5.826 USD/ngày vào cuối tháng 1, mức thấp nhất 20 tháng. Chỉ số thuê tàu chở hàng rời khô của Sàn giao dịch Baltic cũng từng có lúc xuống 1.296 USD/ngày trong tháng 1, thấp nhất 13 tháng.

Dù cước vận tải ngay bằng tàu capesize đã phục hồi về khoảng 10.000 USD/ngày trong vài ngày gần đây, song vẫn thấp hơn mức hoà vốn của các hãng tàu (thông thường là khoảng 20.000 USD/ngày).

Cước vận tải hàng rời lao dốc 90% từ đỉnh - Ảnh 1.

Cước vận tải ngay bằng tàu capesize giảm xuống 5.826 USD/ngày vào cuối tháng 1, mức thấp nhất 20 tháng. Ảnh: Nikkei Asia.

Việc cước vận tải hàng rời lao dốc sau khi lên đỉnh một năm ở hơn 80.000 USD/ngày vào 4 tháng trước trái ngược hoàn toàn với nhu cầu tiếp tục tăng mạnh của vận tải bằng tàu container. Nguyên nhân được cho là sản lượng thép của Trung Quốc giảm mạnh, dẫn tới nhu cầu về quặng sắt thấp. Sản xuất thép ở Trung Quốc sụt giảm phản ánh sự trì trệ của nền kinh tế nói chung và những lo ngại về môi trường đối với hoạt động sản xuất thép bằng lò cao. 

Sản lượng thép thô của Trung Quốc không thể đạt mức cao như năm trước đó kể từ tháng 7/2021. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép của cả năm 2021 cũng giảm lần đầu tiên sau 6 năm. Sản xuất thép giảm dẫn tới nhu cầu quặng sắt suy yếu theo. Theo cơ quan hải quan nước này, nhập khẩu quặng sắt giảm lần đầu tiên trong 3 năm qua.

“Cước vận tải hàng rời tăng mạnh trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra, song đỉnh giá của năm 2022 có thể không cao tới mức đó. Mọi thứ phụ thuộc vào nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc”, một nhân viên cấp cao tại hãng tàu Nippon Yusen nói.

Các nhà phân tích thị trường dự đoán cước vận tải giữ ở mức thấp ít nhất là tới tháng 3. Hàng năm, nhu cầu vận tải bằng đường biển có xu hướng chậm lại trong giai đoạn tháng 12 – tháng 2 do Trung Quốc nghỉ Tết Âm lịch. Ngoài ra, hoạt động vận chuyển quặng sắt bị gián đoạn do mưa lớn ở Brazil, quốc gia chuyên xuất khẩu mặt hàng này.

Các cảng biển ở Trung Quốc bị gián đoạn đáng kể vào giữa năm 2021 do các lệnh hạn chế nhập cảnh vì dịch Covid-19 và thời tiết xấu, gây trở ngại cho việc dỡ hàng. Điều này đã hạn chế lượng tàu chở hàng rời chờ sẵn ở cảng, từ đó đẩy cước vận tải lên cao. Tuy nhiên, số lượng tàu phải neo chờ ở ngoài khơi Trung Quốc gần đây giảm 40%, theo IHS Markit.

Trong khi đó, vận tải bằng tàu container đang trải qua tình hình hoàn toàn trái ngược. Với nhu cầu tiêu thụ hàng hoá mạnh mẽ ở Mỹ, cước vận tải bằng loại tàu này đang cao nhất mọi thời đại. Việc thiếu tàu và tài xế xe tải cũng góp phần làm tăng cước vận tải container nói chung.


Thanh Long/Theo Nikkei Asia Review
Cùng chuyên mục