Đắk Lắk: "Hé lộ" doanh nghiệp tham vọng mở hàng trăm hecta trồng chuối xuất Nhật Bản, Hàn Quốc
Tân binh ngành nông nghiệp công nghệ cao muốn đầu tư hàng trăm hecta trồng chuối tại Đắk Lắk
Trung tuần tháng 8/2022, Công ty TNHH Unifarm, một doanh nghiệp hướng về nông nghiệp sạch và công nghệ cao, trồng cây ăn trái xuất khẩu, đã có thư gửi đến UBND tỉnh Đắk Lắk bày tỏ nguyện vọng thuê đất tại Đắk Lắk để mở rộng diện tích trồng chuối Nam Mỹ.
Theo đó, Unifarm có tham vọng, mở rộng diện tích trồng cây chuối Nam Mỹ cấy mô lên diện tích vài trăm hec ta nhằm mục đích xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Sau khi khảo sát vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu cũng như các điều kiện khác tại Đắk Lắk thích hợp cho việc trồng chuối, cũng như đáp ứng được yêu cầu khắt khe của phía đối tác đưa ra. Unifarm đề nghị tỉnh Đắk Lắk xem xét cho Unifarm thuê đất 50 năm để đầu tư trồng chuối.
"Hé lộ" Unifarm - Doanh nghiệp muốn thuê hàng trăm ha đất trồng chuối tại Đắk Lắk
Được biết, Công ty TNHH Unifarm (trụ sở tại phường 8, quận 8. TP.HCM), hiện đang có 2 trang trại trồng trái cây. Trang trại thứ nhất có địa chỉ tại Ấp 2, xã Long An, Cần Giuộc, tính Long An, diện tích 2 ha. Đây là trang trại mẫu và mô hình cho việc trồng cây giá trị cao như dưa lưới nhà kính, nấm, vú sữa bonsai, mai kiếng, ray sạch nhà kinh (VietGap) và nhiều loại cây trồng khác. Trang trại thứ 2 địa chỉ tại tổ 9, ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước có tổng diện tích 33 ha. Trang trại này công ty trồng chủ yếu cây chuối Nam Mỹ cấy mô. Hiện trang trại đang thu hoạch xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc và các cây khác như cam xoàn, chanh không hạt, xoài, mít ruột đỏ, sầu riêng, bưởi...
Dữ liệu của Etime cho biết, Unifarm được thành lập tháng 9/2018, với vốn điều lệ 9,9 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm 2 thành viên: Tôn Tuyết Mỹ (dân tộc Hoa) nắm 80% và bà Nguyễn Anh Thư nắm 20%. Bà Tôn Tuyết Mỹ hiện là đại diện pháp luật của Unifarm.
Ngoài Công ty TNHH Unifarm, bà Tôn Tuyết Mỹ còn là cổ đông sáng lập/đại diện pháp luật của Công ty TNHH Sản xất phân bón Kali Cà Mau được thành lập vào tháng 11/2021 với vốn đăng ký 30 tỷ đồng.
Về năng lực của cổ đông lớn nhất ở Unifarm - bà Tôn Tuyết Mỹ, dữ liệu cho thấy, năm 2018 - 2019, đặc biệt năm 2019, bà Tôn Tuyết Mỹ liên tiếp có các khoản vay tại Ngân hàng để phục vụ mua sản phẩm tại Dự án Khu nhà ở Rạch Bà Tánh (Green Villas, Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh).
Trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thị trường còn được biết đến Công ty CP Nông nghiệp U&I (Unifarm, có tên viết tắt tương tự tên Công ty TNHH Unifarm đã đề cập ở trên). Nông nghiệp U&I - Unifarm là thành viên của Tập đoàn U&I, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2009. Unifarm là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đi đầu trong hoạt động đầu tư, ứng dụng và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Cho đến nay, Unifarm đã khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình và khẳng định vị thế vững mạnh trên thị trường. Hiện tại, Unifarm đang cung ứng cho thị trường những mặt hàng chủ lực như: chuối, dưa lưới, quả có múi và một số sản phẩm phụ khác. Sản phẩm của Nông nghiệp U&I được trồng theo công nghệ hiện đại và đảm bảo tính an toàn thông qua những tiêu chuẩn như: GLOBAL GAP, VIET GAP,…
Tháng 9/2021, Nông nghiệp U&I có vốn điều lệ 115 tỷ đồng.