Dịch corona: Doanh nghiệp Việt chấp nhận thua lỗ để hỗ trợ nông sản
Diễn biến phức tạp của đại dịch corona đang khiến nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam bị tác động, thiệt hại nặng nề, trong đó thanh long chiếm tỷ trọng lớn nhất phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên Đán và sau Tết.
Tại tỉnh Long An, từ cuối tháng 1 đến hết tháng 2 sẽ thu hoạch khoảng 76.000 tấn thanh long. Thanh long tại đây hầu hết đều xuất khẩu tươi qua Trung Quốc. Do đó, việc hàng chục nghìn tấn quả đã sẵn sàng để lên biên bỗng bị ngưng lại khiến người dân lao đao, đứng ngồi không yên.
Trước Tết Nguyên đán, hai doanh nghiệp lớn của Trung Quốc là Công ty Hồng Thái Dương (đặt mua 300 container) và Công ty Phú Quý (đặt mua 200 container) với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg. Thế nhưng, khi các cửa khẩu đồng loạt ngưng thông quan, hai công ty này buộc báo huỷ đơn và hứa hỗ trợ nông dân với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg.
"Tiền đâu trả lãi ngân hàng bây giờ..."
Theo ghi nhận của PV ngày 6/2 tại huyện Châu Thành (tỉnh Long An), dọc các con đường trên địa bàn huyện đều tràn ngập thanh long. Thanh long ngập trên vỉa hè, rơi vãi xuống đường hoặc thối nát dưới gốc cây...
Các hộ dân trồng thanh long cho biết, để cho ra một quả thanh long chất lượng có thể xuất đi Trung Quốc thì mất rất nhiều công sức cũng như tiền của để chăm bẵm. Bởi nhu cầu tiêu thụ thanh long của người Trung Quốc luôn đòi hỏi mẫu mã đẹp (thường dùng để làm lễ cúng), ngọt và bùi.
Để đáp ứng đủ yêu cầu đó, nguời trồng thanh long đổ tâm huyết vào chăm trồng thôi chưa đủ, mà còn phải đổ tiền của vào để tạo điều kiện tốt nhất cho cây thanh long phát triển. Bình quân, tiền vốn người dân bỏ ra để trồng thanh long đã lên tới 13.000 đồng - 15.000 đồng/kg.
Do đó, việc bán tháo với giá 5.000 đồng/kg như hiện nay khiến người dân thua lỗ nặng nề, nhiều người lao đao khi lãi ngân hàng đè nặng trên vai.
Ông Huỳnh Văn Phong (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) cho biết: "Thanh long ở đây chủ yếu xuất đi Trung Quốc, trước Tết nghe Trung Quốc báo giá lên tới 49.000 đồng/kg, chúng tôi mừng lắm. Thế nhưng giờ vướng dịch bệnh, hàng hóa không thể xuất đi, đâu đâu cũng tràn ngập thanh long chín.
Trong tình cảnh này chúng tôi không biết phải làm sao, vì là tình hình chung, cả tỉnh có cả hàng chục nghìn tấn thì cũng không biết cầu xin giải cứu ở đâu. Giờ nhiều thương lái thông cảm thu mua lại với giá 5.000 đồng/kg là chúng tôi mừng lắm rồi, dù rằng vốn chúng tôi bỏ ra đã lên tới 15.000 đồng/kg. Được bao nhiêu thì được, đem trả lãi ngân hàng trước đó, chứ cứ để lãi mẹ đẻ lãi con thì nông dân chúng tôi chịu chết thôi".
Trường hợp của ông Phong cũng là tình trạng chung mà hàng trăm hộ dân trồng thanh long tại Long An đang mắc phải. Nhiều trường hợp tệ hơn, khi thanh long đồng loạt chín, không có tiền để thuê người hái, đành ngậm ngùi nhìn "mồ hôi công sức" của mình chín rụng, thối đầy gốc cây.
"Năm nay, gia đình tôi tập trung toàn bộ tiền bạc vào cây thanh long, đánh liều vay ngân hàng 150 triệu đồng để đầu tư. Tính tiền bóng đèn, tiền điện chong đèn hằng đêm, tiền phân đạm, rồi tiền công mướn người... cộng lại những thứ đó đã lên tới 15.000 đồng/kg.
Giờ bán ra 5.000 đồng, chúng tôi biết lấy đâu ra 10.000 đồng mà bù vào tiền lỗ bây giờ. Giờ cửa khẩu ngưng thông quan do dịch bệnh bất khả kháng, nên rất mong các doanh nghiệp trong nước thương tình nghĩ cách, vớt vát cho người dân chúng tôi. Chúng tôi sẽ biết ơn lắm", chị Lan (ngụ huyện Châu Thành) lo lắng.
Dân mình tự cứu dân mình
Trước tình trạng hàng chục nghìn tấn thanh long chờ được giải cứu, chính quyền cũng như các doanh nghiệp lớn tại tỉnh Long An đều "đứng ngồi không yên" khi chứng kiến cảnh người dân quê nhà bế tắc, khổ sở.
Bằng hành động thiết thực, nhiều doanh nghiệp chuyên chế biến thực phẩm khô và nước trái cây trên địa bàn đã đứng ra thu mua thanh long giúp người dân. Song, do số lượng quá nhiều nên không thể giữ mức giá cũ cho người dân.
Ông Phạm Ngô Quốc Trực - Giám đốc Công ty Cổ phần Hồng Nguyên Long (Tập đoàn Lavifood) cho biết, để giải quyết khó khăn trước mắt cho nguời dân, công ty sẽ thu mua thanh long với giá thị trường là 5.000 đồng - 7.000 đồng/kg, ngoài ra doanh nghiệp sẽ hỗ trợ thêm người dân 5.000 đồng cho mỗi kg.
"Trước đây, chúng tôi chỉ thu mua thanh long loại 3 để chế biến thực phẩm khô và nước uống, bởi sản phẩm dùng để chế biến chỉ cần chất lượng tốt chứ không cần hình thức đẹp.
Giờ tình hình nguy cấp, chúng tôi thu mua tất cả, thanh long loại 1 cũng dùng để chế biến. Nếu sản xuất không hết, chúng tôi sẽ cho vào kho đông lạnh để bảo quản, thời gian bảo quản để thanh long vẫn giữ được độ tươi ngon là 20 ngày. Mong rằng dịch bệnh sớm chấm dứt để mọi thứ trở về đúng quỹ đạo.
Một lo lắng nữa, đó là sản phẩm nước uống của chúng tôi chỉ có hạn sử dụng được 9 tháng, việc nhập và sản xuất quá nhiều như thế này cũng rắt nhiều rủi ro nếu như bán không hết. Song, để giải quyết giúp người dân, chúng tôi sẵn sàng thu mua để chia sẻ khó khăn này", ông Trực nói.
Theo ông Trực, trước tình thế cấp bách, mỗi cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn nên có trách nhiệm, tìm phương án để tự cứu dân mình, không thể ngồi trông chờ đến lúc cửa khẩu tiếp tục thông quan để xuất đi Trung Quốc.
Ngoài Công ty Hồng Nguyên Long, nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn như: Thuỷ Hoàng, Phương Trang, Rạng Đông... cũng nhận thu mua thanh long giúp người dân với giá 5.000 đồng/kg, cộng thêm tiền hỗ trợ 5.000 đồng/kg.
Trước thông tin các doanh nghiệp trong tỉnh chấp nhận thu mua thanh long, người dân tại đây thở phào nhẹ nhõm khi có "phao cứu sinh". Dù không được như giá ban đầu Trung Quốc báo giá nhưng việc giảm khoản bù lỗ cũng giúp nguời dân dễ thở hơn.