Gà nhập khẩu tăng đột biến có là nguyên nhân làm giảm giá gà trong nước?

30/10/2019 08:35 GMT+7
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sản lượng gà nhập khẩu trong 9 tháng đã vượt mốc 200 nghìn tấn với giá trung bình chỉ 20.000 đồng/kg, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là một trong những nguyên nhân khiến giá gà lông trắng giảm kỷ lục trong mấy năm trở lại đây.

Gà nhập khẩu tăng đột biến

Nếu như hết tháng 8, nhập khẩu thịt gà các loại đạt hơn 105.798 tấn thì sang đến tháng 9, lượng thịt đã tăng đến con số 215,7 nghìn tấn các loại. kim ngạch nhập khẩu thịt gà của Việt Nam đã đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Giá gà nhập khẩu bình quân thịt gà tháng 9 là 857 USD/tấn, tương đương 20.000 đồng/kg.

Gà nhập khẩu không làm giảm giá gà trong nước? - Ảnh 1.

Nhập khẩu thịt gà được cho là không ảnh hưởng đến việc giá gà nuôi trong nước giảm (ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, giá gà nhập đang có xu hướng giảm khi giá trong tháng 8 là 910 USD/tấn, tương đương 21.500 đồng/kg, còn tháng 9 là 857 USD/tấn, tương đương 20.000 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, chi phí, thủ tục nhập khẩu, bảo quản kho lạnh...).

Các sản phẩm nhập nhiều nhất là gà đông lạnh nguyên con và phần thịt đùi, ngoài ra là cánh, chân, mề, gan, da, xương, sụn,…

Tuy nhiên "gà ngoại" khi muốn nhập khẩu vào Việt Nam cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định như: Chỉ cho phép nhập khẩu từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đối với sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam; tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y, tiêu chuẩn và mức giới hạn cho phép đối với vi sinh vật có hại, tồn dư hóa chất độc hại đối với thịt nhập khẩu được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.

Gà nhập khẩu nhiều nhưng không ảnh hưởng đến giá gà trong nước?

Bộ Công Thương khẳng định, việc nhập khẩu thịt gà trong thời gian qua có thể tác động một phần nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu gây giảm giá thịt gà tại Đông Nam Bộ. Dự kiến từ nay đến cuối năm, giá thịt gà công nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Bộ do nguồn cung ứng trong nước vẫn dồi dào.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nguyên nhân khiến giá thịt gà lông trắng giảm sâu là do sau khi bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi, nhiều cơ sở chuyển đổi sang nuôi gà công nghiệp. Một số tỉnh có đàn gia cầm tăng mạnh như: Đồng Nai tăng 14,28% (tương đương khoảng 3 triệu con); Tiền Giang tăng 11,8% (tổng đàn 14,8 triệu con); một số huyện của Long An có đàn gia cầm tăng 2-3 lần; An Giang tăng 42,82%; Trà Vinh tăng trên 2 lần (tổng đàn 6,2 triệu con)…

"Vì tăng đàn ồ ạt cùng một thời điểm dẫn đến cung vượt cầu, ảnh hưởng đến giá tiêu thụ. Nhưng thị trường giá gà lên xuống bất thường trong thời gian gần đây chỉ xảy ra ở chăn nuôi gà công nghiệp, thị trường gà lông màu thả vườn và vịt tăng giảm không lớn và tương đối ổn định" - ông Trọng nói.

Dự báo từ giờ đến cuối năm, dù nhu cầu tăng cao nhưng giá thịt gà công nghiệp vẫn sẽ ở mức thấp. Từ thực tế đó, Cục Chăn nuôi kiến nghị các địa phương cần chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng tăng dần, tránh tăng đột biến làm ảnh hưởng đến cung - cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phải có định hướng xuất khẩu sản phẩm gia cầm.

Hiện nay, gà công nghiệp trắng ở các doanh nghiệp FDI chiếm 80% thị phần, các doanh nghiệp đều có kế hoạch tăng đàn, nhưng chưa có động thái về hướng xuất khẩu, nếu như vậy khi cung vượt cầu, thiệt hại lớn nhất là người chăn nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng các loại thịt nhập khẩu để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm...


Mai Trang
Cùng chuyên mục