Giá ớt bấp bênh, nông dân Lạng Sơn đứng ngồi không yên
Những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh Lạng Sơn đưa cây ớt xuất khẩu vào trồng trong vụ đông xuân với diện tích không ngừng tăng. Hầu hết sản phẩm được xuất bán tại thị trường thiếu ổn định, nhưng nhiều hộ nông dân vẫn trồng ớt để tìm “vận may” được giá… Và thực tế không phải mùa ớt năm nào cũng "may" như mùa ớt năm 2019.
Ớt là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, lại nhanh cho thu hoạch nên vài năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở các huyện Chi Lăng, Lộc Bình, Văn Quan… đã chuyển đổi một số diện tích trồng lúa sang trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu. Trong đó, Chi Lăng là một trong những địa phương trồng nhiều ớt chỉ thiên xuất khẩu nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tập trung chủ yếu ở các xã Bắc Thủy, Nhân Lý, Mai Sao, Quan Sơn, Quang Lang…
Thời điểm này, nhiều hộ nông dân ở các huyện Chi Lăng, Văn Quan, Lộc Bình... đang bước vào vụ thu hoạch ớt. Tuy nhiên, nếu năm ngoái người dân trồng ớt phấn khởi bởi một mùa ớt bội thu, được giá thì năm nay người dân lại hoang mang bởi giá ớt vừa thấp, vừa bấp bênh.
Bà Hứa Thị Sao, xã Điềm He, huyện Văn Quan cho biết: Thấy mùa ớt năm ngoái vừa được mùa, mà giá cả cao từ 80.000 - 100.000/kg nên năm nay nhiều người dân lại mở rộng thêm diện tích trồng ớt xuất khẩu với tâm lý "hên xui" và mong chờ 1 vận may như mùa ớt năm 2019. Tuy nhiên, ngay từ đầu mùa, giá ớt đã lên xuống thất thường. "Chiều tối hôm trước thương lái vừa cân 26.000/kg, ngày hôm sau giá ớt đã lại giảm bất ngờ còn 15.000/kg. Giá cả lên xuống bấp bênh khiến người dân trồng ớt như chúng tôi bất ngờ và hoang mang lắm".
Chị Vy Thị Đại thôn Pa Lái, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng cho biết: Với tâm lý hy vọng 1 mùa ớt bội thu như năm ngoái năm nay ai cũng trồng tăng thêm diện tích. Nhưng ngay từ đầu mùa giá ớt đã lên xuống thất thường. Mỗi ngày ớt có 1 giá nhưng cũng chỉ dao động ở mức 10.000 - 25.000, chứ không được 80.000 - 100.000/kg như năm ngoái. “Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch và bán được gần 2 tạ quả với giá dao động từ chỉ từ 10.000 đồng đến 25.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Giá cả thất thường, thị trường phụ thuộc vào Trung Quốc, cộng thêm cả tình hình dịch bệnh như hiện nay có khi giá ớt còn giảm nữa. Đà này bà con trồng ớt lại nản" chị Đại buồn rầu.
Thị trường phụ thuộc
Chị Hoàng Thị Hà, người thu mua ớt của bà con tại khu vực Điềm He, huyện Văn Quan cho biết: Thời điểm này mùa ớt năm ngoái bà con bán 80.000, thậm chí hơn 100.000/kg ớt tươi vừa thu hái từ vườn thì năm nay giá cả biến động bấp bênh chỉ còn khoảng dao động từ 10.000 - 26.000/kg. Giá cả giờ phụ thuộc vào thị trường phía Trung Quốc, mỗi ngày giá mỗi khác. Hàng ngày giá cả lên xuống bao nhiêu chủ hàng phía bên Trung Quốc đều báo lại để chúng tôi biết và thu mua ớt của dân.
Hiện nay, đang vào mùa thu hoạch đại trà, trên những cánh đồng ớt ở các huyện Chi Lăng, Lộc Bình, Văn Quan.... đang chín đỏ. Tuy nhiên, dù đã mất công chăm bón nhưng người nông dân vẫn không mấy mặn mà với công việc thu hoạch, chăm sóc tiếp vườn ớt bởi giá thấp, tính ra mỗi ngày tiền bán ớt cũng chỉ đủ bù tiền công hái chưa kể đến công chăm sóc, chi phí mua giống... Nhiều hộ gia đình trồng ớt đành ngậm ngùi trước thực trạng được mùa rớt giá. Trên các thửa ruộng ớt, người dân vẫn cố gắng thu hái coi như “lấy công làm lãi” hi vọng vớt vát được chút ít vốn liếng bỏ ra.
So với năm ngoái có thể thấy vụ ớt năm nay tăng cả về năng suất, sản lượng, tuy nhiên giá bán lại giảm mạnh. Nguyên nhân của việc giá ớt lên xuống thất thường chủ yếu là do tác động khách quan từ thị trường ớt quốc tế.
Chính vì thế để cây ớt được phát triển ổn định, bền vững cả về diện tích vùng trồng, năng suất, sản lượng, giá cả đến thị trường tiêu thụ thì ngành NN&PTNT và cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần có những hoạch định cụ thể, mang tầm chiến lược trong việc phát triển ớt xuất khẩu. Một trong những giải pháp nên thực hiện đó là nên hình thành vùng chuyên canh cây ớt theo hướng sản xuất hàng hóa; khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và thu hoạch ớt; tìm kiếm, kết nối các cơ sở, doanh nghiệp thu mua ớt có uy tín để giới thiệu cho nông dân.
Cùng đó là tuyên truyền, vận động người dân ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh xảy ra tình trạng trồng ồ ạt và mạnh ai người ấy bán sẽ gặp nhiều rủi ro trong thâm canh. Có như vậy việc phát triển cây ớt xuất khẩu mới thực sự bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp nói chúng, với cây ớt xuất khẩu nói riêng trên địa bàn tỉnh.