“Gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất hiện nay là gói hỗ trợ niềm tin cho các doanh nghiệp”

01/05/2022 07:31 GMT+7
TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, những sai phạm của doanh nhân là cần phải xử lý nhưng không có nghĩa là bỏ lại doanh nghiệp mà phải hỗ trợ họ vượt qua khó khăn.

Chính phủ đã thống nhất xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để trình Quốc hội nhằm khắc phục những hạn chế, tạo ổn định và minh bạch cho thị trường bất động sản. Theo đó, Bộ Xây Dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014, có hiệu lực năm 2015.

Nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về tình trạng nhà đầu tư, doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của Luật để đi gom đất nông nghiệp, đất rừng... rồi chuyển đổi sang đất ở mà không phải thông qua đấu giá, đầu thầu với các dự án nhà ở thương mại. Bởi điều này sẽ gây thất thoát ngân sách, vì không đấu giá tạo chênh lệch giá, tiền sẽ chảy vào túi doanh nghiệp.

Sai phạm của doanh nhân cần phải xử lý, có cần hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn - Ảnh 1.

Dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại đường Trần Duy Hưng, TP.Hà Nội. Ảnh: Minh Khôi

Đặc biệt, thị trường bất động sản của chúng ta đang không đi theo quy luật cung - cầu. Cầu cao, cung ít, giá tăng cao, nên vấn đề then chốt nhất là tăng nguồn cung của thị trường bất động sản. Do đó, tôi kiến nghị cần phải có giải pháp để gia tăng nguồn cung trên thị trường.

Ngoài ra, thị trường bất động sản nóng lên bởi yếu tố đầu cơ. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Tôi kiến nghị Luật Kinh doanh bất động sản phải ngăn chặn vấn đề đầu cơ bằng việc đánh mạnh vào vấn đề tài chính như thuế, phí và biện pháp kỹ thuật.

Góp ý về việc sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết: "Thị trường bất động sản đang ở thời điểm tương đối nhạy cảm khi liên quan đến nhiều vụ việc của các lãnh đạo doanh nghiệp lớn dẫn đến việc Ngân hàng quản lý chặt chẽ tín dụng đối với thị trường bất động sản, hạn chế tín dụng cho bất động sản"

"Điều này là hoàn toàn đúng nhưng sự điều chỉnh của chính sách ngân hàng đang là quá bao quát, không phân luồng cụ thể. Vì vậy, có sự ảnh hưởng nhất định đến các doanh nghiệp bất động sản", ông Lộc nhận định.

Theo ông Lộc, gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất hiện nay là gói hỗ trợ niềm tin cho các doanh nghiệp vào cơ quan quản lý Nhà nước, niềm tin vào sự hồi phục. Vì vậy, việc tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp là điều rất quan trọng.

Hiện nay, những sai phạm của doanh nhân là cần phải xử lý nhưng không có nghĩa là bỏ lại doanh nghiệp mà phải hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Điều này là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cũng như người dân nên quan tâm.

Về vấn đề sửa luật, ông Lộc cho rằng: "Cùng lúc phải sửa đổi cả ba bộ luật gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai. Bởi nếu chỉ sửa Luật Đất đai dễ đưa ra những quan điểm, chính sách vướng mắc so với những luật khác. Ngoài ra, cần phải sửa ngay".

Đánh giá về thị trường bất động sản, ông Lộc cho hay: "Đất đai là tài sản lớn, thiêng liêng và quan trọng với rất nhiều gia đình, là hàng hoá đặc biệt nên phải có những quy định đặc biệt bên cạnh những quy định chung. Có thể không cần phải có những luật riêng nhưng có thể có những quy định riêng".

Về việc sửa luật, trước hết phải sửa các điểm chưa hợp lý; phải bổ sung những khoảng trống; phải làm rõ những vùng xám, vùng mờ; phải bổ quy những mô hình kinh doanh bất động sản mới, cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số,… để tạo hành lang pháp lý phù hợp cho thị trường bất động sản phát triển.

Để đảm bảo quá trình đồng bộ trong những quy định pháp luật thì ban chỉ đạo cần phải có sự thống nhất, thống nhất giữa các bộ để đảm bảo tính liên thông, khắc phục tính chồng chéo quan hệ giữa các luật cũng như bộ ngành.

Cũng theo ông Lộc, việc sửa luật dù nhanh vẫn cần thời gian, vì vậy trong khoảng thời gian đó Chính phủ cần phải hướng dẫn cụ thể để giúp các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Đơn cử như Hiệp hội Bất động sản hiện nay tập hợp lại ý kiến của các doanh nghiệp, luật sư để gửi cơ quan Chính phủ, Uỷ Ban thường vụ Quốc hội để đề nghị những hướng xử lý. Từ đó sẽ có những giải pháp để giải quyết, để mọi doanh nghiệp không phải tự xoay sở. Điều này Hiệp hội có thể làm được.

Về việc xây dựng cơ sở dữ liệu, tôi nghĩ rằng Hiệp hội Bất động sản có thể đứng ra làm, có thể tiên phong thuê chuyên gia, nhà nghiên cứu để xây ra bộ chuẩn mực để từ đó các doanh nghiệp tham gia cam kết thực hiện bộ chuẩn mực đó.


Thế Anh
Cùng chuyên mục