Khách sạn, sân bay "ế ẩm" khi virus corona tiếp tục hoành hành

06/03/2020 11:19 GMT+7
Ngành khách sạn dự đoán năm ảm đạm nhất kể từ giai đoạn đại suy thoái 2008. Các tập đoàn khách sạn lớn nhất thế giới vừa công bố doanh thu thấp kỉ lục vào các tháng đầu năm, đồng thời dự báo giai đoạn khó khăn có thể ở phía trước.
Khách sạn, sân bay "ế ẩm" khi virus corona tiếp tục hoành hành - Ảnh 1.

Lĩnh vực nhà hàng, khách sạn chịu tác động nặng nè bậc nhất từ dịch virus corona

Marriott International công bố doanh thu các chi nhánh khách sạn ở Trung Quốc (vốn chiếm đến 9% tổng doanh thu công ty), đã giảm gần 90% vào tháng 2 so với cùng kì năm ngoái. Hilton ước tính dịch virus corona sẽ làm giảm một nửa doanh thu so với mức dự kiến 50 tỷ USD, nếu dịch virus corona kéo dài trong 6 tháng.

Hyatt Hotels thông báo các khách sạn của tập đoàn này ở Singapore, Nhật Bản và Indonesia giảm mạnh số khách đặt phòng. Tập đoàn này cũng đồng thời rút lại mức lợi nhuận dự đoán được công bố trước đó cho năm 2020, sau khi hàng loạt lệnh hạn chế di chuyển từ Bắc Mỹ và Châu Âu được ban hành vì dịch virus corona diễn biến phức tạp. Chủ tịch tập đoàn Hyatt, ông Hopplamazian nhận định tình huống dịch bệnh khiến khả năng gây ra hệ quả tài chính lớn do nhu cầu lên xuống bất thường của du khách. Giá cổ phiếu các công ty này thể hiện rõ hơn cả viễn cảnh ảm đạm. Cổ phiếu của Marriott giảm 22,59% kể từ 19/2 đến nay, trong khi cổ phiếu của Hilton và Hyatt giảm hơn 17% cùng kỳ.

Hầu hết các sự kiện lớn bị hoãn hay hủy bỏ kéo theo lượng đặt phòng khách sạn, hay nhà hàng giảm kỉ lục. Thậm chí ngay cả trong trường hợp dịch virus corona sớm được ngăn chặn, hệ quả tới ngành kinh doanh khách sạn có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí cả năm.

Ngành công nghiệp khách sạn Mỹ đang trên đà tăng trưởng trong khoảng 10 năm trở lại đây, tuy nhiên từ tháng 1 năm nay, mức tăng trưởng hoàn toàn chững lại. Tăng trưởng kinh tế Mỹ yếu hơn cũng như sự cạnh tranh đã tác động nghiêm trọng đến giá phòng từ trước đó, nhưng dịch virus corona giáng đòn nặng nề hơn cả với các khách sạn hạng sang. Dù giá phòng giảm, cơ hội cứu vãn doanh thu vẫn còn là điều quá xa vời.

Khách sạn, sân bay "ế ẩm" khi virus corona tiếp tục hoành hành - Ảnh 3.

Một sân bay ở Hàn Quốc vắng tanh sau khi dịch bệnh bùng phát

Bên cạnh đó, kinh doanh trong sân bay cũng không có viễn cảnh tươi sáng hơn. Các cửa hàng miễn thuế vốn là địa điểm mua sắm hàng xa xỉ ưa thích của nhiều khách du lịch, đặc biệt với các sản phẩm quần áo, rượu bia, nước hoa, mỹ phẩm… Du khách Châu Á là nhóm đối tượng khách hàng chính và nguồn thu chủ yếu với các cửa hàng này. Các nhãn hàng như Estée Lauder thậm chí có doanh thu trội hơn hẳn ở các nước Châu Á so với cửa hàng của mình ở Bắc Mỹ. L’Oréal tuyên bố doanh thu thị trường Châu Á tăng 25% vào năm 2019, góp phần vào sức tăng trưởng nhanh chóng của nhãn hàng này.

Bùng nổ dịch virus corona khiến doanh thu từ chính các cửa hàng trong sân bay giảm mạnh, do số khách hàng di chuyển trong sân bay không còn nhiều. Nhiều cửa hàng ở các sân bay lớn khắp Châu Á giảm 60-70% doanh số. Đây được coi là khủng hoảng lớn nhất với lĩnh vực bán lẻ du lịch, thậm chí còn tệ hơn giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này phản ánh tầm quan trọng của khách du lịch Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây, khi nhiều nhãn hàng lớn đều phụ thuộc vào họ.

Nguyên nhân chủ yếu, ngoài việc số lượng khách hàng Trung Quốc giảm mạnh, là tâm lý chung của người đi du lịch giai đoạn bệnh dịch. Hầu hết khách du lịch không còn dành nhiều thời gian đi quanh sân bay hay chạm vào các sản phẩm trưng bày, mà đến thẳng cửa bay luôn. Lãnh đạo ngành giao thông vận tải ở Singapore và Thái Lan bắt đầu giảm giá thuê mặt bằng với các cửa hàng trong sân bay từ tháng Hai đến tháng Tám hay cả năm, nhằm hỗ trợ giảm thiểu chi phí cho các công ty này đồng thời bảo vệ công việc cho nhân viên ở đây.

Mật độ đi lại trong sân bay ở San Francisco giảm 15% vào tháng Hai, so với cùng kì năm ngoái. Sân bay Los Angeles giảm 20%. Sân bay New York John F.Kennedy công bố các cửa hàng dịch vụ ăn uống giảm 50% doanh thu trong các tuần trở lại đây.

Các hãng máy bay China Eastern Airlines, Air China, Korean Air và Japan Airlines đều khởi hành từ một Terminal nhất định, nơi có các hãng hàng không đi vào vùng dịch, điều này cũng tác động đến doanh số ở các cửa hàng Terminal còn lại, vốn có nhiều khu kinh doanh thời trang cao cấp, quán café, nhà hàng lớn nhỏ. Các cửa hàng ở sân bay Mỹ cũng đang tích cực tìm kiếm hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng nhằm giảm nguy cơ cắt giảm nhân viên do thiếu hụt ngân sách, với mật độ khách hàng ngày càng giảm như hiện nay.

Vân Anh
Cùng chuyên mục