Kích cầu du lịch khu vực Đông Bắc: Khơi dậy tiềm năng du lịch Thái Nguyên
Là cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên vừa là cầu nối giữa vùng núi Đông Bắc với vùng Đồng bằng sông Hồng, thuận lợi cho việc lưu thông với các tỉnh lân cận; với hệ thống hạ tầng cơ sở phát triển khá toàn diện tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế -xã hội.
Những năm qua, ngành du lịch Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực về công tác quy hoạch phát triển du lịch; đa dạng và nâng cao giá trị cho các sản phẩm du lịch; công tác quảng bá và xúc tiến du lịch; công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên (VHTTDL), so cùng kỳ năm ngoái, lượng khách du lịch trong tháng 5 đã giảm 41%, cùng với đó doanh thu dịch vụ du lịch giảm tới 75%.
Tỉnh Thái Nguyên nhận định, đây là những con số chưa phải quá tồi tệ trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, và hy vọng thời gian tới ngành du lịch sẽ hoạt động mạnh mẽ trở lại, với yêu cầu trước mắt là sự thành công của các chương trình kích cầu du lịch nội địa và hưởng ứng của người dân Việt Nam.
"Vòng cung Đông Bắc” là chương trình khảo sát du lịch do Hội Du lịch cộng đồng (thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) tổ chức, nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm đặc sắc về các giá trị di sản văn hóa, con người và vẻ đẹp thiên nhiên ở các tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Sở VHTTDL đã giới thiệu tổng quan về du lịch tỉnh Thái Nguyên, những chính sách hỗ trợ kích cầu được tỉnh đưa ra để kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Đại diện Sở VHTTDL Thái Nguyên đánh giá: Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh Đông Bắc nói chung đều có tiềm năng du lịch như sự đa dạng môi trường sinh thái, ẩm thực vùng miền đặc sắc, người dân thân thiện… Nhưng, để ngành du lịch các tỉnh Đông Bắc phát triển xứng tầm hơn, cần có sự vào cuộc của các chuyên gia, chiến lược để phát huy tốt các nguồn lực du lịch, để có sự bứt phá nhưng vẫn giữ hướng đi bền vững.
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: Nâng cao chất lượng dịch vụ từ các doanh nghiệp địa phương; xây dựng kênh thông tin truyền thông và quảng bá; ứng dụng công nghệ vào du lịch, kết nối với các tỉnh trong vòng cung Đông Bắc để tạo sản phẩm du lịch gắn kết và tiềm năng phát triển trải nghiệm du lịch công nghiệp ở các nhà máy tối tân.
Nhiều đại biểu cho rằng, để kích cầu phát triển du lịch Thái Nguyên gắn với “Vòng cung Đông Bắc”, tỉnh nên tăng cường các hoạt động quảng bá về du lịch trên địa bàn, đồng thời huy động các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh cùng tham gia hợp tác, kết nối với các tỉnh trong “Vòng cung Đông Bắc”.
Các doanh nghiệp cùng tham gia kích cầu du lịch cũng là dịp để thắt chặt mối quan hệ giữa các tỉnh, thành phố, vùng, miền, cùng nhau hưởng ứng Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", triển khai các chương trình kích cầu du lịch để góp phần phục hồi ngành “công nghiệp không khói” trong cả nước.
Trước mắt, các doanh nghiệp, công ty du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên kích cầu bằng việc giảm giá một số các dịch vụ lưu trú, tour, giá vé cổng, giá bán hàng lưu niệm và ẩm thực, mở thêm sản phẩm du lịch mới… với mục tiêu hướng tới hiệu quả kinh tế du lịch và phát triển du lịch bền vững.
Cũng trong dịp này, đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đã ký kết hợp tác kích cầu du lịch nội địa, tăng cường quảng bá, phát triển du lịch tại Thái Nguyên gắn với vòng cung Đông Bắc như: Mở rộng sản phẩm tour du lịch từ Thái Nguyên đến các tỉnh vùng Đông Bắc; quy hoạch các điểm du lịch kết hợp với vùng cây ăn quả đặc sản vùng miền…